Với Ronaldo, không có khái niệm "No Country For Old Men"

Tác giả Frank - Thứ Bảy 11/09/2021 13:00(GMT+7)

Zalo

Cristiano Ronaldo trở lại Premier League ở tuổi 36 và sẵn sàng đập tan những định kiến cho rằng anh không còn phù hợp với giải đấu giàu tốc độ như vậy.

Cristiano Ronaldo
Ảnh: Manchester United

Năm 2007, giới phê bình phim đã chứng kiến một hiện tượng mang tên No Country for Old Men. Bộ phim do hai anh em Joel và Ethan Coen đạo diễn là một cuộc đuổi bắt kịch tính giữa kẻ sát nhân Anton Chigurth và Llewelyn Moss, người đàn ông vô tình có trong tay 2 triệu USD tiền của một băng đảng ma túy. 
 
Với sự giúp sức của cảnh sát trưởng Ed Tom Bell, đáng ra Moss sẽ được bảo vệ và nộp lại số tiền phạm pháp, trong khi Chigurth sẽ bị tiêu diệt. Nhưng cuối cùng, No Country for Old Men phá vỡ mọi quy chuẩn về đạo đức khi Moss bị giết chết, Chigurth lấy được tiền và cao chạy xa bay, còn cảnh sát trưởng Bell cảm thấy bất lực và muốn nghỉ hưu khi cảm thấy thế giới xung quanh đầy rẫy những sự tha hóa. Chính vì thế mà cái tên No Country for Old Men trở nên đầy ám ảnh: Không có chỗ cho những con người xưa cũ, những người tin vào chính nghĩa và chuẩn mực trong thế giới hỗn độn hiện tại.
 
Tiêu đề đó có lẽ phần nào đúng với câu chuyện Cristiano Ronaldo trở lại Manchester United. Đã có lúc anh tới rất gần với Manchester City, mang theo những nỗi căm phẫn trực chào trong lòng không ít các cổ động viên đội bóng áo đỏ. 
 
Từ những lần Ronaldo “nhớ nhà” khi còn khoác áo Real Madrid cho tới bộ phim tự truyện mà CR7 chỉ nhắc tới United trong vỏn vẹn 5 giây, tất cả đều được đem ra bàn tán. Thậm chí ngay cả khi Ronaldo được Man United công nhận như một huyền thoại của đội bóng, vẫn có những người muốn xét lại khi cho rằng 6 năm chơi bóng tại Old Trafford là quá ít để đưa một cầu thủ vào Ngôi đền huyền thoại.
 
Những lời cay nghiệt dĩ nhiên đã nhanh chóng bị vùi lấp bởi niềm hân hoan vô bờ bến khi Ronaldo trở về mái nhà xưa. Nhưng nếu như Ronaldo thi đấu không tốt như kỳ vọng, những làn sóng ngầm đó có thể sẽ lại trào lên bất cứ lúc nào. 
 
No Country for Old Men. Đó có thể là những lời mà cộng đồng mạng dành cho Ronaldo khi anh quá già để có thể chinh chiến ở một đấu trường khắc nghiệt như Premier League.
 
No Country for Old Men. Đó có thể là một tiêu đề cho những bài viết để ám chỉ rằng những kỷ niệm đẹp về Ronaldo giờ đã chết.
 
Đây là một viễn cảnh hoàn toàn thực tế với bất cứ ai chuẩn bị bước sang tuổi 37. Nhưng Ronaldo không phải là “bất cứ ai”. Anh không phải là cảnh sát trưởng Ed Tom Bell để chấp nhận bị coi là một kẻ lỗi thời.
 
Đúng, Ronaldo đã qua cái tuổi để thực hiện một cú nước rút 30m, nhưng bù vào đó sẽ là một cầu thủ kinh nghiệm và tinh quái hơn, người luôn biết xuất hiện đúng nơi và tỏa sáng đúng lúc. Người ta vẫn thường thán phục Ronaldo về tinh thần khổ luyện mà quên mất một điều quan trọng khác giúp anh duy trì đỉnh cao phong độ, đó là khả năng tự điều chỉnh bản thân. Từ một tiền vệ chạy cánh thuần túy trở thành một tiền đạo cánh bó vào trung lộ, một tiền đạo lùi cho tới một cây săn bàn trong vòng cấm, Ronaldo đã tiến hóa rất nhiều để tự làm mới mình. 

Cristiano Ronaldo
Ảnh: Manchester United
 
Đúng, Ronaldo không còn trẻ trung, nhưng khát khao chiến thắng của CR7 không hề thua kém bất cứ cầu thủ trẻ nào. Người ta ví CR7 như một Super Saiyan, bởi mỗi lần gục ngã là một lần Ronaldo trở lại với một sức bật phi thường. Ronaldo không né tránh thất bại và cả những những thứ độc địa bủa vây quanh. Trái lại, anh cần nó như một liều adrenaline để giữ cho ngọn lửa khát khao không bao giờ tắt.
 
Và đúng, ngay cả khi Ronaldo trở lại Old Trafford, những lời dèm pha vẫn xuất hiện đầy rẫy trên mạng xã hội. Người ta nói nếu không phải là Man City thì có lẽ Man United đã không nhảy vào thương vụ này. Nhưng có lẽ cũng nên đặt giả thuyết ở chiều ngược lại, nếu như không phải Ronaldo thì sẽ không bao giờ có một cú lật kèo ngoạn mục đến thế. Sir Alex hối thúc ban lãnh đạo, Bruno Fernandes thuyết phục Ronaldo, còn những Rio Ferdinand hay Patrice Evra cũng sốt sắng vào cuộc.  Tất cả bộ máy của United nhảy vào bàn đàm phán với một quyết tâm cao nhất để đưa đứa con lưu lạc trở về. 
 
Ronaldo có nghĩa vụ đền đáp những tình cảm đó, cũng giống như việc anh có nghĩa vụ đáp lại những sự công kích nhắm vào mình trong suốt quãng thời gian qua. Để tất cả những người hâm mộ Quỷ đỏ đích thực có thể tuyên bố rằng sẽ luôn có chỗ cho những giá trị xưa cũ, luôn có có chỗ cho một “Old Man” với chiếc áo số 7 huyền thoại. 
 
Nơi đó gọi là nhà!
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Son Heung Min: Nước mắt của huyền thoại

Son Heung Min từng nhiều lần bật khóc trong màu áo Tottenham Hotspur, song, những giọt nước mắt sau chiến thắng trước Manchester United tại chung kết Europa League 2024/25 đặc biệt hơn cả.

Son Heung Min và tầm ảnh hưởng của người cha "sắt đá"

Trong một cuốn sách dạng hồi ký của Son Heung-min được xuất bản tại Hàn Quốc có tên “Những suy nghĩ của tôi khi chơi bóng đá”, Son kể lại hành trình của mình như thế này. Năm lớp 3, anh thấy mình muốn trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Và Son chia sẻ điều này với bố, ông Son Woong-jung. Người cha hỏi cậu con trai lý do vì sao, và nhận được câu trả lời: “Vì nó vui”.

Mario Mandzukic và trái tim ấm áp của chiến binh dũng cảm

Trên sân cỏ, Mario Mandzukic luôn là một cầu thủ cứng cỏi, mạnh mẽ và có chút gì đó gai góc giống như nhiều người con xuất thân từ vùng Balkan. Thế nhưng, khi bước ra ngoài cuộc sống thường nhật, ngôi sao gốc Nam Tư cũ lại cho thấy một hình ảnh ấm áp hơn rất nhiều.

Bruno Fernandes và nghịch lý của một ngôi sao “gánh-team”!

Nếu cần tìm một ai đó phải chịu trách nhiệm cho sự bết bát của Man United mùa này, hẳn nhiều người sẽ chọn cách dễ nhất - gọi tên thủ quân Bruno Fernandes. Nhưng nếu muốn thấy một cá tính kiêu hãnh đậm chất Quỷ đỏ nhất, cũng chẳng ai xứng đáng hơn tiền vệ người Bồ Đào Nha. Giữa khen và chê, giữa đỉnh cao và vực thẳm, Bruno Fernandes vẫn luôn bước tới, đón nhận tất cả…

X
top-arrow