Torsten Frings: Nốt trầm trong điệu Heavy metal

Tác giả Ole - Thứ Năm 28/11/2024 16:55(GMT+7)

Trong cuộc cách mạng “thay da đổi thịt” của người Đức ở giai đoạn giữa thập niên 2000s, bên cạnh một Michael Ballack với vai trò thủ lĩnh thì Torsten Frings chính là trụ đỡ phía sau, giúp cho tuyến tiền vệ Die Mannschaft giữ được sự cân bằng cần thiết.

 

Trước VCK World Cup 2006 diễn ra trên sân nhà, bóng đá Đức luôn gắn liền với hình ảnh của một tập thể đầy xù xì, gai góc, nặng về tính kỷ luật và sở hữu sức mạnh tinh thần đáng nể. Thế nhưng, giải đấu lớn nhất hành tinh mùa Hè 2006 lại bất ngờ được chứng kiến một đội bóng hoàn toàn mới mẻ, trẻ trung và tràn đầy cảm hứng dưới sự dẫn dắt của HLV Klinsmann. Mặc dù vậy, phía sau những hình ảnh đầy phóng khoáng của lối chơi tấn công rực lửa, người Đức vẫn luôn tìm kiếm được sự chắc chắn cần thiết, nhờ một chiếc mỏ neo đầy hoài niệm, đó chính là Frings.

Nhìn vào bề ngoài của cựu đội trưởng Werder Bremen, người ta dễ dàng nhận ra một người đàn ông mang gốc gác “Giéc-manh” điển hình, với tấm thân dày mình, khuôn mặt đầy góc cạnh cứng rắn bên cạnh một mái tóc dài màu vàng lãng tử. Từ trong sân cỏ đến bên ngoài cuộc sống, Frings luôn thể hiện một thái độ lãnh đạm tới đáng nể. Anh chính là hình ảnh tiêu biểu cho mẫu thủ lĩnh nói ít, làm nhiều và khi cần thì cũng sẵn sàng bùng nổ mạnh mẽ.

Ở trận khai mạc World Cup 2006, cú nã đại bác từ khoảng cách hơn 30 mét của ngôi sao người Đức vào lưới Costa Rica chắc chắn là một trong những bàn thắng đẹp nhất mọi thời đại. Trong một tập thể đầy mới mẻ với sự xuất hiện của những cá nhân có khả năng tấn công xuất chúng thì Frings khi ấy chính là người giữ lại “chất Đức cổ điển” cho Die Mannschaft. Khả năng bọc lót, thu hồi và che chắn hiệu quả phía trước hàng phòng ngự của Frings đã trở thành xúc tác quan trọng để “hạt nhân” Ballack có thể tự do tung hoàng phía trên, góp phần thúc đẩy những Podolski, Schweinsteiger, Klose… bùng nổ mãnh liệt.

 

“Câu chuyện cổ tích vào mùa Hè năm 2006 tất nhiên rất đặc biệt vì nó đã diễn ra ở Đức, quê hương của chúng tôi. Một trận mở màn hay đã mang lại cho toàn đội cảm giác hưng phấn. Tôi luôn phấn khích mỗi khi nhớ về bàn thắng mà mình đã ghi được. Nhưng nếu được chọn, tôi sẵn sàng đánh đổi bàn thắng đó để được chơi trận bán kết bằng bất cứ giá nào”, cầu thủ sinh năm 1976 chia sẻ.     

Trước đó, Frings đã bị FIFA treo giò do có hành vi không đẹp với Julio Cruz ở trận tứ kết, khi Đức đánh bại Argentina trên chấm luân lưu 11 mét. “Đó thực sự là một vết đen trong cuộc đời. Tôi đã trải qua nhiều khoảnh khắc đẹp trong cả sự nghiệp nhưng đây chắc chắn là cột mốc tồi tệ nhất. Không thể nào quay ngược lại thời gian và với tôi, đó luôn là một kỷ niệm cay đắng”.

Thất bại trước những người Italia tại bán kết đã chấm dứt hành trình đẹp đẽ của thầy trò Klinsmann tại World Cup 2006 nhưng lại mở ra một tương lai tươi sáng cho cả nền bóng đá Đức. Kể từ sau giải đấu này, Die Mannschaft dần được biết đến với hình ảnh của một đội bóng chơi tấn công mạnh mẽ, linh hoạt và uyển chuyển, một sự kết hợp đầy khoa học giữa bóng đá hiện đại và những giá trị truyền thống. Không ai khác, phía sau một thủ lĩnh Ballack già dơ và kinh nghiệm thì Frings chính là viên gạch nối quan trọng bậc nhất trong một tập thể đang bước vào giai đoạn chuyển giao.

 

So với một tiền vệ trung tâm cổ điển, cựu đội trưởng Bremen không chỉ mang lại nguồn năng lượng dồi dào ở tuyến giữa mà còn sở hữu khả năng luân chuyển, chuyền bóng cực kỳ ổn định, tạo ra nhịp điệu cho lối chơi của Die Mannschaft. Chung kết EURO 2008, những “cỗ xe tăng” để thua sát nút trước Tây Ban Nha rồi tiếp tục bị đối thủ này đánh bại ở vòng bán kết World Cup 2010. Phải tới năm 2014, người Đức mới được hưởng thành quả trọn vẹn cho cuộc cách mạng đầy chông gai của mình bằng danh hiệu vô địch thế giới trên đất Brazil. Đến thời điểm ấy, Frings đã không còn hiện diện.

Trong thời khắc huy hoàng, cũng chẳng mấy ai còn nhớ đến tiền vệ từng khoác áo Bremen, Dortmund và Bayern Munich. Đối với những người hâm mộ trẻ trung, tương lai của tuyển Đức chắc chắn phải là thứ gì đó thật đẹp đẽ và lãng mạn. Nhưng Torsten Frings thì giống như một hình ảnh bước ra từ quá khứ. Anh phong trần, bụi bặm và dường như thân thuộc dành cho những ai vẫn còn thích hoài niệm về một thế giới cũ.

Là một cầu thủ mang trên mình không ít những hình xăm hầm hố, Frings còn đặc biệt yêu thích nhạc rock và có thú vui… chơi xe phân khối lớn. Cựu tiền vệ Die Mannschaft luôn thể hiện được sự cá tính và bản lĩnh trên sân cỏ nhưng anh cũng là một người đàn ông giàu nội tâm ở ngoài đời. Để rồi, ngay cả khi chẳng có niềm vinh quanh nào dành cho cái tên Frings đi chăng nữa thì cựu đội trưởng Bremen cũng hoàn toàn cảm thấy bình thản trước mọi chuyện.

Giữa những đổi thay không ngừng của bóng đá hiện đại, cái tên Torsten Frings đôi lúc lại giúp người ta phần nào gợi nhớ về những giá trị xưa cũ, đại diện cho nét hào hoa mang đậm chất Đức cổ điển. Trong điệu nhạc heavy metal mạnh mẽ và cuồng nhiệt, Frings chính là những nốt bass chạy đều đặn, chậm rãi nhưng không kém phần quyến rũ và luôn biết cách giữ lấy nhịp điệu cho tất cả mọi đội bóng từng xuất hiện trong cuộc đời anh.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Kota Takai: "Viên ngọc rồng" của Tottenham Hotspur

Tottenham vừa đạt thỏa thuận mua Kota Takai từ Kawasaki Frontale với giá 6,8 triệu USD. Đó là cái giá chuyển nhượng kỷ lục đối với một cầu thủ từ J-League. Nhưng có thể, Spurs sẽ lời to khi chiêu mộ trung vệ 20 tuổi này.

Jamie Gittens: Trở lại để viết tiếp giấc mơ dang dở cùng Chelsea

Nếu mọi chuyện diễn ra khác đi, có lẽ Jamie Gittens đã gắn bó với Chelsea được hơn một thập kỷ. Nhưng giờ đây, cầu thủ chạy cánh 20 tuổi đang trở lại mái nhà mà anh từng gắn bó khi mới 8 tuổi, với cơ hội chứng minh cho người hâm mộ Chelsea thấy họ đã bỏ lỡ điều gì. Bởi theo thông tin từ The Athletic, Chelsea và Borussia Dortmund đã đạt được thỏa thuận sơ bộ để Gittens gia nhập đội bóng thành London.

Đằng sau cuộc chia tay giữa Thomas Partey với Arsenal

Hợp đồng của Thomas Partey với Arsenal đã đáo hạn vào ngày 30/06/2025. Với việc hai bên không tìm được tiếng nói chung trên bàn đàm phán, tiền vệ người Ghana chính thức trở thành cầu thủ tự do kể từ tháng 7. Vậy đằng sau quyết định chia tay đó là gì? Liệu Arsenal sẽ phải hối hận khi đã không thể giữ chân được “mỏ neo” xuất sắc bậc nhất trong lịch sử CLB?

Roberto Baggio: "Tôi chưa bao giờ xem mình là một ngôi sao"

Đó là tuần lễ trước sinh nhật lần thứ 38 của Lionel Messi. Có lẽ vợ anh, Antonella, đang băn khoăn không biết nên tặng gì. Rồi một món quà đã đến, sớm hơn dự kiến, bất ngờ và đặc biệt. Nhìn nụ cười rạng rỡ như trẻ thơ trên gương mặt Messi, ai cũng có thể thấy món quà ấy khiến anh xúc động như một đứa bé.