Thực tại phũ phàng
Người hâm mộ Man Utd có lẽ đã trải qua một cuộc tra tấn cảm xúc đúng nghĩa sau 90 phút tại Bilbao. Thất bại ấy, với fan MU, đau đớn hơn bội phần khi đối thủ Tottenham cũng chẳng có một trận đấu xuất sắc hay trên chân hoàn toàn. Phong độ chói sáng trước Athletic Bilbao không còn. Tinh thần rực lửa như trước Lyon cũng chẳng xuất hiện. Chỉ có 11 chiếc bóng áo đỏ vật vờ trên sân cùng sự bất lực của Ruben Amorim bên đường pitch.
Ở trận đấu quan trọng nhất mùa giải, Ruben Amorim quyết định học theo…Pep Guardiola. Nhưng không phải ở chuyên môn, mà là ở cách ông nghĩ nhiều tới mức thay đổi từ hệ thống, tới con người và đấu pháp. Ông kéo Bruno đá thấp hơn hẳn thông thường. Ông cũng để một mình Casemiro đấu chọi tuyến giữa đầy cơ bắp của đối thủ.
Cũng vì thế mà sức tấn công của MU bị giảm đi đáng kể, tính cân bằng trong hệ thống cũng không còn. Nói cách khác, Man Utd tự trói tay mình khi tấn công và bịt mắt mình khi phòng ngự. Trong một thế trận như vậy, việc MU thất bại là điều được dự báo trước.
![]() |
Man Utd gục ngã cay đắng trước Tottenham |
Amorim và cả tập thể trong tay ông cũng tỏ ra quá non nớt trước Tottenham lọc lõi trong tay Ange Postecoglou. HLV người Bồ thay đổi quá muộn, khi Amorim thay đổi thì Garnacho, Zirkzee chẳng có nổi 30 phút trên sân. Và một HLV “bạc già” như Ange cũng đủ cao tay để nhanh chóng xoay chuyển tình thế, dễ dàng hóa giải những thay đổi mà Amorim đưa ra.
Trận đấu vốn đã tẻ nhạt, lại càng vụn vỡ khi cầu thủ Tottenham chơi đầy tinh quái để ngắt mạch lên bóng của MU. Richarlison, Cuti Romero, Micky van de Ven…tỏ ra quá kinh nghiệm, thậm chí là tiểu xảo nếu cần để khiến cầu thủ MU ức chế cũng như làm giảm nhịp trận đấu. Chiến thắng đã thuộc về người xứng đáng hơn, để lại sau lưng một MU vụn vỡ.
Man Utd tan mộng giành danh hiệu, mất suất dự Champions League. Trước mắt đội bóng này chỉ còn thực tại phũ phàng khi một HLV còn quá non trẻ nhưng phải gánh trên vai vô vàn kỳ vọng và áp lực.
Lựa chọn nào cho MU?
Sau trận thua Tottenham, một lần nữa câu hỏi về việc giữ, hay sa thải HLV Ruben Amorim được đưa ra. Nhưng cho dù là lựa chọn nào lúc này cũng không mang quá nhiều ý nghĩa. Bản chất, việc sa thải HLV không khó. Nhưng hệ lụy thật sự nằm ở quá trình đội bóng tái thiết sau trát sa thải. Đừng quên rằng MU đã rơi vào vòng luẩn quẩn bổ nhiệm - sa thải (kèm đền bù) suốt những năm qua.
Bổ nhiệm một HLV non kinh nghiệm tới dẫn đội giữa thời điểm gian khó, chỉ để (mất khá nhiều tiền) sa thải HLV đó chỉ sau nửa năm chẳng khác nào cái tát đau điếng vào ban lãnh đạo đội bóng. Đừng quên, ngay từ đầu, việc Amorim được bổ nhiệm đã bị đặt rất nhiều nghi vấn.
![]() |
Liệu sa thải HLV Ruben Amorim có giải được bài toán ở MU lúc này? |
HLV người Bồ Đào Nha vốn quen với sơ đồ ba hậu vệ. Trong khi hệ thống xuyên suốt của MU suốt những năm qua lại là sơ đồ bốn hậu vệ. Khi ấy, Man Utd phải chấp nhận: hoặc “nháp” một thời gian (có thể dài) và cầu nguyện cho dàn nhân sự hiện tại quen với đấu pháp mới. Hoặc đổ thật nhiều tiền để tái thiết đội bóng và mang về những cái tên phù hợp với hệ thống mới mà HLV đang sử dụng.
Thực tế cho thấy Man Utd lựa chọn giải pháp đầu tiên. Bởi tình hình tài chính tệ hại của đội bóng không cho phép MU mua sắm dư dả. Và kể cả có tiền, những mục tiêu của Man Utd cũng khó có thể bị hấp dẫn bởi tình hình tại sân Old Trafford lúc này.
Nhưng nếu MU chấp nhận đổi ngắn nuôi dài, liệu đến bao giờ đội bóng này mới thật sự tìm ra giải pháp? Nên nhớ, mùa giải năm nay không phải lần đầu đội chủ sân Old Trafford “nháp” để tìm ra đấu pháp phù hợp. Erik ten Hag, Ralf Rangnick hay Ole Gunnar Solskjaer cũng từng được trao nhiều thời gian, cơ hội để xây dựng đội bóng theo ý mình. Nhưng kết quả ra sao, chắc không cần nhắc lại.
![]() |
Sir Jim Ratcliffe có đang đưa Man Utd đi đúng hướng? |
Nói vậy để thấy, nếu hè này Ruben Amorim bị sa thải, MU sẽ đi vào vết xe đổ của chính mình. Khi ấy, Man Utd áp dụng tư duy cũ, cách làm cũ lên đội bóng và kỳ vọng vào một kết quả mới. Đó là dấu hiệu của hoặc là một người lạc quan tới mức mù quáng, hoặc là không hiểu gì về bóng đá.
Lối thoát hay lối cũ ta về?
Nếu MU đang ở đáy sâu nhất của sự tuyệt vọng, liệu có phải mọi đường đi bây giờ đều là lối lên cho Man Utd? Hay thứ ánh sáng mờ nhòa phía xa xa kia, chỉ là thứ ảo ảnh dẫn đội bóng trở lại đúng với lối vào mê cung hỗn loạn đã giam cầm giấc mơ, kìm hãm sự phát triển của đội bóng suốt những năm qua?
Cách duy nhất để tìm ra câu trả lời, đó là thử và chấp nhận đã có thử là có sai. Điều cần nhớ là mọi phép thử phải đi cùng với tính toán, bởi sau rất nhiều năm thử-sai một cách mù quáng, Man Utd giờ không còn đủ nguồn lực, điều kiện để “được phép sai” nữa rồi. Không cải tổ mạnh mẽ, MU còn tiếp tục chìm sâu. Tuy vậy, cách mạng mà không có đường lối thì mọi hy sinh sẽ trở thành vô nghĩa.
Mùa hè năm nay có thể là bước ngoặt, quyết định tương lai dài hạn của Man Utd. Câu hỏi giữ ai, bán ai, mua ai không thể do mình Amorim tìm lời giải. Ông cần được hỗ trợ nhiều hơn. Những thành viên trong đội ngũ điều hành về chuyên môn cũng như quản trị của Man Utd cần thể hiện trách nhiệm của mình để cứu vãn con tàu đang chìm ngày một nhanh.
![]() |
Những vị trí trong ban điều hành Man Utd, như CEO Omar Berrada cần hỗ trợ tốt hơn cho Ruben Amorim |
Nhiệm vụ việc vạch ra một đường lối phát triển rõ ràng cho MU lúc này cũng không đơn giản, nhất là khi nền tảng của Man Utd đang rất yếu kém. Nền tảng vốn đã yếu ấy, phải làm quen với một hệ thống chiến thuật mới. Cách đi tắt đón đầu là đổ tiền mua tân binh được-cho-là phù hợp với hệ thống của Amorim. Nhưng kể cả khi MU có đủ tiền để mua sắm thì sức hút của đội bóng này cũng không còn đủ lớn để hấp dẫn những mục tiêu trên TTCN.
Chưa kể, không ít những bản hợp đồng tưởng như phù hợp với triết lý của các đời HLV tiền nhiệm, sau cùng đã trở thành thảm họa thay vì trụ cột. Tấm gương của Antony, Mason Mount, Jadon Sancho vẫn còn đó. Thực chất, MU không thiếu quyết định sai lầm để rút ra bài học, nhưng vấn đề là sợi dây kinh nghiệm tại Man Utd càng rút càng dài, khiến đội bóng càng chơi càng tệ.
Nói ban lãnh đạo MU không nhìn ra sai sót, yếu kém của đội nhà là không hẳn đúng. Nhưng thay vì đưa ra một giải pháp phù hợp, bộ sậu ở sân Old Trafford lại sửa cái sai này bằng cái sai khác. Hệ lụy là một nền tảng mục ruỗng từ bên trong và rồi đội bóng dần sụp đổ dưới sức nặng của chính mình.
Đã 10 năm kể từ lần gần nhất MU không được dự cúp châu Âu. Với tiêu chuẩn của Man Utd, vắng mặt ở đấu trường châu lục chẳng khác nào một cú tát vào niềm kiêu hãnh của đội bóng. Nhưng với tình thế hiện tại, ánh sáng của hy vọng có lẽ còn lâu nữa mới chiếu rọi tới những góc tối tăm ở Old Trafford...