Từ Marmoush tới Ekitike: Frankfurt đang dạy cả châu Âu cách kiếm tiền từ các số 9

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Hai 28/07/2025 15:31(GMT+7)

Hầu hết các CLB đều sẽ cảm thấy bất an, thậm chí có phần hoảng loạn nếu cứ đến cuối mùa lại phải nghĩ đến chuyện bán đi chân sút chủ lực của mình. Dễ hiểu khi một số đội sẽ chiến đấu tới cùng để giữ lại ngôi sao ấy.

 

Nhưng với Eintracht Frankfurt, việc để những tay săn bàn hàng đầu ra đi, điều họ đã làm ở 4 trong 7 mùa giải Bundesliga gần nhất lại là một phần tất yếu trong chiến lược vận hành bền vững của họ.

“Tôi gọi những CLB như Paris Saint-Germain, Manchester City hay Liverpool là các ‘điểm dừng cuối cùng’,” GĐTT Markus Krösche chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Sky Sports hồi tháng 8/2024. “Còn Frankfurt là một trạm trung chuyển, nơi bán cầu thủ cho những đội bóng đó.”

“Đây là điều tôi nói với các cầu thủ: ‘Nếu tiềm năng của cậu vượt qua tầm vóc của CLB và chúng tôi nhận được khoản phí chuyển nhượng hợp lý, tôi sẽ để cậu ra đi’. Đó là lý do vì sao nhiều tài năng trẻ lại chọn Frankfurt, vì chúng tôi biết mình phải làm gì để phát triển họ.”

“Bán cầu thủ là công việc của tôi. Tôi không đặt cảm xúc vào chuyện đó. Đây là kinh doanh.”

Nghe có vẻ khô khan, nhưng sự chăm chút của Krösche (thể hiện qua những khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng tập luyện và đội ngũ huấn luyện) không chỉ phục vụ CLB, mà còn giúp cầu thủ phát triển tối đa tiềm năng. Frankfurt đã thuê cả chuyên gia tâm lý, chuyên gia dinh dưỡng và một đội ngũ HLV chuyên biệt để hỗ trợ 1 kèm 1 với các cầu thủ trẻ, hỗ trợ họ đạt được mục tiêu tối thượng là được chuyển đến những CLB hàng đầu châu Âu.

Với việc thương vụ bán Hugo Ekitike cho Liverpool đã được hoàn tất với mức giá khoảng 91 triệu euro (bao gồm phụ phí), lợi nhuận chuyển nhượng ròng của Frankfurt kể từ hè 2023 đã chạm con số 161 triệu euro. Hai thương vụ lớn nhất trước đó, Randal Kolo Muani và Omar Marmoush đều là các bản hợp đồng miễn phí, nhưng sau đó đem về cho họ số tiền lên tới 165 triệu euro.

Tính riêng vị trí trung phong, Eintracht Frankfurt đã thu về khoảng 345 triệu euro lợi nhuận chỉ trong vòng 6 năm, một con số cho thấy sự mát tay trong chiến lược chuyển nhượng của đội bóng.

Các thương vụ giúp Frankfurt kiếm được nhiều tiền nhất

Ngay cả trước khi GĐTT Markus Krösche nhậm chức năm 2021, Frankfurt đã cho thấy khả năng buôn bán cầu thủ cực kỳ hiệu quả. Mùa hè 2019, họ bán cùng lúc Sebastien Haller và Luka Jovic với tổng mức phí gấp hơn ba lần chi phí mua ban đầu. Sau đó, chỉ sau một mùa giải ghi 28 bàn tại Bundesliga, Andre Silva, người được mượn về kèm điều khoản mua đứt để thay thế hai cái tên ở trên đã được bán với mức lời gấp tám lần số tiền Frankfurt bỏ ra ban đầu.

Theo thống kê từ Transfermarkt, xét riêng lợi nhuận ròng từ chuyển nhượng, không đội bóng nào tại châu Âu trong 3 năm qua kiếm được nhiều tiền hơn Frankfurt. Điều đáng nể là họ vẫn không ngừng tiến bộ về thành tích chuyên môn: Từ hạng 7 ở mùa giải 2022/23 lên hạng 5 mùa tiếp theo, trước khi cán đích ở vị trí thứ ba tại Bundesliga mùa vừa qua, thành tích cao nhất lịch sử CLB.

Frankfurt liên tục làm ăn có lãi trong 7 năm trở lại đây

Vậy họ đã làm điều đó bằng cách nào? Và liệu mô hình ấy có thể tiếp tục phát huy hiệu quả?

Về mặt tuyển trạch, chiến lược của Frankfurt không hẳn là đột phá. Họ nhắm đến các cầu thủ trẻ có tiềm năng bán lại cao và đặc biệt ưu tiên những người có thể đá nhiều vị trí và phù hợp với triết lý chơi bóng của đội.

Điểm mấu chốt nằm ở sự kiên định và bền bỉ trong cách họ thực hiện chiến lược ấy, cũng như cung cấp môi trường lý tưởng để các tân binh phát triển.

Chiến lược ấy thể hiện rất rõ: Trong số 26 bản hợp đồng dài hạn gần nhất, có tới 21 người dưới 25 tuổi khi gia nhập CLB. Ngoài ra, Frankfurt không ngại chi tiền nếu thấy cơ hội hợp lý. Các bản hợp đồng trên 10 triệu euro không hề hiếm, nếu cầu thủ đó phù hợp với mô hình mà họ đang xây dựng.

Nhìn vào 10 bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử Frankfurt, bạn sẽ thấy một quy luật rõ ràng. Cầu thủ “già” nhất trong số đó là Arthur Theate cũng chỉ mới 24 tuổi. Với kinh nghiệm chinh chiến tại Serie A và Ligue 1, trung vệ người Bỉ được đưa về từ Rennes mùa hè năm ngoái và trở thành người thi đấu nhiều thứ ba toàn đội.

Trong số 10 người đó, 6 người vẫn còn ở lại CLB. Còn những người đã rời đi thì mang lại khoản lãi tổng cộng 111 triệu euro; con số ấy sẽ tăng lên đáng kể sau khi Ekitike gia nhập Liverpool.

 

 

Jonathan Burkardt vẫn chưa thi đấu chính thức trận nào cho Frankfurt, nhưng bản hợp đồng này rõ ràng là một mảnh ghép rất phù hợp với dự án tuyển trạch của đội bóng.

Trung phong từng ba lần khoác áo ĐT Đức vừa bước sang tuổi 25 trong tháng này và đang ở độ chín của sự nghiệp, sau khi rời CLB gắn bó từ thuở nhỏ là Mainz. Trong mùa giải chia tay đội bóng cũ, anh đã ghi 18 bàn tại Bundesliga. Đó là một con số đáng nể, nhất là trong bối cảnh mùa trước đó anh hầu như không thể ra sân do chấn thương đầu gối kéo dài từ mùa giải 22/23 sang đầu mùa giải 23/24.

Burkardt có thể chơi ở mọi vị trí trên hàng công, thậm chí từng đá wing-back khi mới ra mắt Bundesliga. Anh là mẫu cầu thủ tấn công giàu thể lực, nhanh nhẹn và nhạy bén trong việc xâm nhập khoảng trống sau lưng hàng thủ đối phương và là kiểu tiền đạo rất hợp với lối chơi cường độ cao của Frankfurt.

 

 

Giữa anh và Omar Marmoush, người hiện khoác áo Manchester City có khá nhiều điểm tương đồng. Marmoush cũng được Frankfurt mang về sau khi thể hiện sự linh hoạt ở Stuttgart và Wolfsburg. Khi sang Premier League, cầu thủ người Ai Cập cho thấy anh có thể đá tốt bất kỳ vị trí nào ở hàng công. Kỹ năng dứt điểm từ xa lẫn tốc độ trong các tình huống phản công khiến Marmoush thực sự nguy hiểm trong một hệ thống cho phép anh khai thác tối đa khoảng trống khi chuyển trạng thái.

Mùa trước, Frankfurt là đội tạo ra nhiều bàn thắng kỳ vọng (xG) nhất từ các tình huống phản công nhanh ở Bundesliga. Họ cũng chỉ thua Liverpool nếu tính toàn châu Âu trong 4 giải đấu hàng đầu.

Việc Marmoush trở thành trọng tâm trong phong cách tấn công đặc trưng đó cùng với Ekitike, một mẫu cầu thủ cũng cực kỳ phù hợp với những pha bóng nhanh, trực diện đã giúp cả hai cầu thủ này nhanh chóng nâng tầm giá trị của mình. Ngoài ra, chính sự trung thành với lối chơi tấn công tốc độ dưới thời HLV Dino Toppmöller là một phần lý do Frankfurt đang thành công trên TTCN.

Frankfurt là đội tạo ra nhiều bàn thắng kỳ vọng (xG) nhất từ các tình huống phản công nhanh ở bình diện châu Âu

Đối với Frankfurt, việc thu hút được sự chú ý từ Premier League, giải đấu chi tiêu mạnh nhất thế giới là chìa khóa để mô hình tài chính của họ tiếp tục hái ra tiền. Ngay cả khi Premier League đã vượt qua Bundesliga về số tình huống “tấn công trực diện” mỗi trận mùa giải vừa qua, các cầu thủ có khả năng bứt tốc, ra quyết định nhanh vẫn sẽ được định giá rất cao.

Trong cuộc phỏng vấn với The Athletic hồi tháng 5, CEO Axel Hellmann của Frankfurt đã lấy Marmoush làm ví dụ để nhấn mạnh vai trò của huấn luyện mang tính cá nhân hóa trong mô hình phát triển cầu thủ.

“Chúng tôi có một trong những đội ngũ huấn luyện tốt nhất Bundesliga,” Hellmann khẳng định. “Điều đó rất quan trọng, bởi chúng tôi ký hợp đồng với các cầu thủ trẻ và việc đào tạo họ, điều hiện nay đang giúp Frankfurt nổi bật là một quá trình cực kỳ kỹ lưỡng.”

“Khi Marmoush đến đây, cậu ấy chưa phải một cây săn bàn thực thụ. Nhưng các HLV của chúng tôi đã hỗ trợ cậu ấy từ tâm lý, thể chất, chiến thuật, cho tới kỹ năng kỹ thuật trên sân. Chúng tôi rèn luyện toàn bộ bộ kỹ năng của cậu ấy và đã tạo ra một cầu thủ hoàn toàn khác.”

Từ một tiền đạo tốc độ, đa năng, Marmoush rời Frankfurt sau 18 tháng với hình ảnh của một sát thủ thực thụ: Dứt điểm sắc bén, hiệu quả ở các tình huống cố định và có khả năng phối hợp trong cự ly hẹp lẫn xuyên phá hàng phòng ngự khi có khoảng trống.

Có người sẽ nói mô hình của Frankfurt là thiếu tham vọng. Nhưng thật ra, điểm mạnh lớn nhất của họ chính là sự chấp nhận vị thế của mình trong chuỗi giá trị bóng đá châu Âu. Họ không ảo tưởng. Không níu kéo, cũng chẳng tạo rào cản. Ai có năng lực và chăm chỉ sẽ được phát triển, được bước tiếp tới giấc mơ lớn hơn, đồng thời giúp CLB đạt được mục tiêu tài chính lẫn thể thao.

Vấn đề chỉ là Frankfurt có thể tiếp tục nâng tầm bản thân trên sân cỏ được không. Bởi dù được đá Champions League mùa tới, họ khó có thể đổ toàn bộ khoản lãi chuyển nhượng khổng lồ vào việc mua sắm, bởi vẫn rất khó để thu hút những ngôi sao sẵn sàng tới và lập tức đưa CLB lên một tầm cao mới.

Lựa chọn duy nhất của Frankfurt là tiếp tục đầu tư vào tương lai. Nên dù mùa tới họ có thể không giữ vững được vị trí thứ ba, thật khó để “dây chuyền sản xuất tiền đạo” của họ sẽ chậm lại.

Theo New York Times

Liverpool đá thế nào khi có thêm cả Alexander Isak và Hugo Ekitike?
Alexander Isak và Hugo Ekitike có thể cùng khoác áo Liverpool ở mùa giải tới, dưới đây là 2 hệ thống có thể giúp Lữ đoàn đỏ phát huy khả năng của hai cầu thủ này.
Cuộc nói chuyện đưa Hugo Ekitike tới Liverpool
HLV Arne Slot đã có cuộc trò chuyện sâu sắc với Hugo Ekitike và chính cuộc trò chuyện này đã đưa tiền đạo người Pháp tới Liverpool.
Liệu Hugo Ekitike có trở thành một “số 9” kiểu Fernando Torres tại Anfield? 
Với 79 triệu bảng chi ra để chiêu mộ Hugo Ekitike, Liverpool đặt kỳ vọng rất nhiều vào chân sút 23 tuổi người Pháp. Nhiều CĐV Anfield đang rất háo hức chờ xem, Ekitike có thể trở thành một Fernando Torres mới không, nhưng cũng không ít người lo ngại, chân sút cao 1m90 này lại tiếp bước những tiền bối từng thất bại trong việc kế thừa vị trí “số 9”, như Andy Carroll hay Darwin Nunez.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Chuyện gì đang xảy ra với Man Utd ở mùa hè 2025?

Chỉ còn 3 tuần nữa Premier League sẽ chính thức trở lại. Với nhiều người hâm mộ Manchester United, họ đang có chung một tâm trạng lo lắng trước những động thái có phần chậm chạp của thượng tầng CLB trong việc chiêu mộ tân binh ở thị trường chuyển nhượng mùa hè 2025. Thế nhưng liệu nhận định này có chính xác?

Olympic Lyon xuống hạng và cú ngã của kẻ ảo tưởng

Chỉ mới 5 ngày trước, John Textor vẫn còn ăn mừng cuồng nhiệt trong hành lang sân Rose Bowl ở Pasadena. “Victoire, victoire (Chiến thắng, chiến thắng - ND)”, ông hét lớn sau khi đội bóng ông sở hữu, Botafogo khiến PSG phải nhận thất bại tại Club World Cup. Nhưng vào thứ Ba, giấc mơ ấy bị đưa thẳng xuống mặt đất sau khi cơ quan giám sát tài chính bóng đá Pháp (DNCG) xác nhận Lyon, một đội bóng khác do ông sở hữu sẽ bị giáng xuống hạng Ligue 2.