Manchester United khởi đầu kém cỏi: Khi sự liên kết giữa Mourinho và cầu thủ bị đứt gãy

Tác giả Elflaco - Thứ Ba 28/08/2018 18:55(GMT+7)

Bạn còn nhớ lần gần nhất Manchester United dứt điểm cầu môn hơn 20 lần trong một trận đối đầu với nhóm “Big 6” Premier League là bao giờ không? 

Tìm được câu trả lời đương nhiên chúng ta sẽ tốn không ít thời gian trên các trang chuyên về thống kê bóng đá. Để không tốn thời gian của các bạn, đây là kết quả: ngày 28/8/2011, Man Utd tiếp Arsenal tại Old Trafford và trận này “Quỷ đỏ” tung ra tổng cộng 25 pha dứt điểm về phía khung thành đội khách. Kết quả? Man Utd thắng 8-2 với hat-trick của Wayne Rooney, cú đúp của Ashley Yong cùng 2 bàn thắng khác do công Danny Welbeck và Luis Nani.

Rooney đã ghi một hat-trick trong chiến thắng 8-2 trước Arsenal, đó cũng là bàn thắng thứ 150 của anh cho Man đỏ.

7 năm sau, cũng vào ngày 28/8, cũng ở vòng 3 Premier League, cũng trong 1 trận đấu với 1 đối thủ đến từ London thuộc nhóm “Big 6”, Man Utd cũng… dứt điểm cầu môn hơn 20 lần trong 90 phút thi đấu. Nhưng chiến tích 8-2 của mùa Thu 2011 đã không lặp lại. Thay vào đó là một thất bại choáng váng với tỉ số 0-3, trong một trận đấu mà Man Utd của Jose Mourinho có 23 pha đứt điểm về phía khung thành Tottenham – đội chỉ cần 9 cú sút để ghi 3 bàn thắng.
 
Sau 2 trận đầu bị chê bai không-biết-tấn-công với những thông số dứt điểm và chuyền kiến tạo nằm trong  nhóm 3-4 đội tệ nhất, rạng sáng nay đội bóng của Mourinho đã triển khai thứ bóng đá hoàn toàn khác trước Tottenham. Chủ động kiểm soát bóng, chơi nhanh, trực diện, hướng lên phía trước nhiều hơn và tung ra 23 pha dứt điểm – gần gấp rưỡi so với tổng cộng của 2 trận đấu trước đó. Nhưng kết cục Man Utd nhận về lại thảm hại hơn gấp bội: 0 bàn thắng, 3 bàn thua và thất bại sân nhà nặng nề nhất trong sự nghiệp HLV của Mourinho.
 
Lucas Moura lập cú đúp trước MU
Trước Tottenham, Man Utd vẫn còn đó những chứng nhân của trận thắng Arsenal 8-2 đúng 7 năm trước. Là David De Gea trong khung gỗ. Là Chris Smalling ở trung tâm hàng thủ. Là Ashley Young trên… băng ghế dự bị. Nhưng khí chất của một đoàn quân với tâm thế chiến thắng mãnh liệt thời Sir Alex thì không còn hiện diện trong những ngày này và tất nhiên, được đặc tả 1 cách rõ ràng trong chính trận thua 0-3 trước Tottenham rạng sáng nay.
 
Hai mùa đầu, Man Utd của Mourinho đều đánh bại Tottenham tại Old Trafford, với cùng tỉ số 1-0. Nhưng là với một cách thức khác, xù xì và hắc ám, đặt mục tiêu phá lối chơi của Tottenham lên hàng đầu, đóng chặt những không gian triển khai bóng của đối thủ trước khi tung ra đòn kết liễu. Rạng sáng nay, đội bóng của Mourinho chọn cách làm… ngược lại và dù đã có một hiệp đầu tốt, một thế trận ép sân không tệ nhưng kết quả lại là tỉ số thua 0-3 trên bảng điện tử.
 
Mourinho cảm ơn CĐV Man United

Có thể Jose Mourinho muốn chứng tỏ cho những kẻ đang chỉ trích ông và Man Utd rằng, nếu thích tấn công nếu cần đá mở, “Quỷ đỏ” của ông cũng sẽ làm được, dù với những con người như thế nào, dù ở vào hoàn cảnh nào. Vấn đề chỉ là hiệu quả từ cách chơi ấy mà thôi. Và với nền tảng hiện tại, qua thất bại nặng nề trước Tottenham, thì Man Utd tấn công là… Man Utd tự sát. Nhưng câu hỏi đặt ra là, nếu Man Utd đá thủ cũng nhận kết quả tệ mà đá công thành tích còn thảm hơn thì rốt cuộc lỗi là do đâu? Do Mourinho đã không còn là một thương hiệu đảm bảo cho những thắng lợi hay do chất lượng cầu thủ Man Utd tệ đến mức, đá kiểu gì cũng… chết?
 
Câu trả lời chắc chắn không nằm trong cả 2 vế trên. Mourinho có thể không còn bá đạo như những năm tháng tột đỉnh vinh quang nhưng HLV người Bồ Đào Nha vẫn trong Top những chiến lược gia xuất sắc nhất xưa nay – điều không thể phủ nhận chỉ bởi vài ba trận đấu kém cỏi. Chất lượng cầu thủ Man Utd, trong bối cảnh nhiều trụ cột vắng mặt và kha khá ngôi sao chưa có được thể trạng tốt, dù có thể thua sút so với Man City, nhưng không bao giờ là tệ. Vậy thì vấn đề chắc chắn nằm ở chi tiết: giữa những ý tưởng kĩ-chiến thuật của Mourinho với khả năng hiện thực hóa trên sân cỏ của các cầu thủ Man Utd đang không có được sự liên kết đủ tốt, thậm chí có thể đã đứt đoạn!
 
Mourinho đang gặp áp lực rất lớn

Mà ở bất kì CLB bóng đá nào, sự liên kết này luôn đóng vai trò quan trọng nhất trong việc thành bại cũng như khả năng tiến xa của 1 tập thể. Sự liên kết giữa HLV và cầu thủ không tốt, không chỉ nằm ở khía cạnh triển khai các mảng miếng chiến thuật mà còn là vấn đề tâm lý cũng như mối quan hệ thày trò trong và ngoài sân bóng. Mức độ “liên kết không tốt” này, ở Man Utd, giữa Mourinho và các cầu thủ của ông đặc biệt là nhóm ngôi sao đóng vai trò trục xương sống của đội bóng, tới đâu thì vẫn còn quá sớm để đưa ra một phán xét chính xác. Nhưng sự ức chế của Mourinho với BLĐ Man Utd (cụ thể là Phó chủ tịch điều hành Ed Wodward), sự ức chế giữa 1 bộ phần cầu thủ “Quỷ đỏ” với HLV Bồ Đào Nha là có thật.
 
Nhân sự thiếu trước hụt sau, tâm lý không ổn, sự đứt gãy về mối liên kết thày-trò và những màn trình diễn kém cỏi trên sân cỏ. Đấy chính là Man Utd qua 3 vòng đấu đầu tiên tại Premier League 2018/19, trong… mùa thứ 3 đầy ám ảnh của Mourinho. Mùa thứ 3 trong nhiệm kì một ở Chelsea, Mourinho có thành tích sân cỏ tệ nhất sau 2 năm giành liền 2 chức vô địch Premier League để rồi ông bị sa thải vào cuối tháng 9 mùa kế tiếp. Tại Inter, Mourinho không có mùa thứ 3 sau đỉnh cao ăn ba 2009/10. Mùa thứ 3 tại Real Madrid, Mourinho mâu thuẫn sâu sắc với đủ các giới ở Bernabeu: từ ban giám đốc đến nhóm công thần đội bóng và cả các CĐV nhà. Mùa thứ 3 trong nhiệm kì 2 ở Chelsea, Mourinho cũng chỉ trụ được đến giữa tháng 12 sau hàng loạt trận đấu bết bát và những bất đồng không thể hàn gắn giữa ông và các trụ cột CLB.
Manchester United khởi đầu kém cỏi: Khi sự liên kết giữa Mourinho và cầu thủ bị đứt gãy

Và giờ là mùa thứ 3 ở Old Trafford. Hai mùa đầu, Man Utd – Mourinho đều thắng cả 3 trận ra quân ở Premier League, đứng trong nhóm dẫn đầu BXH. Mùa này, “Quỷ đỏ” đã thua 2 trận, chỉ giành được 3 điểm với hiệu số bàn thắng bại là 4-7 và hiện đã rơi xuống nửa sau BXH Premier League (thứ 13). Đây là lần đầu tiên sau đúng… 20 năm, Man Utd thua tới 2 trong tổng số 3 vòng đầu Premier League. Lần gần nhất nhất trước đó, nếu bạn còn nhớ chính là mùa 1998/99. Mùa đó, tập thể do Sir Alex dẫn dắt chỉ ghi đúng 3 bàn thắng sau 3 vòng đầu để thua tới 2 trận và cũng xếp thứ 13 như hiện tại. Và rồi kết mùa, “Quỷ đỏ” giành cú ăn ba Premier League – Cúp FA - Champions League.
 
Những người lạc quan có thể nhìn vào kì tích của Man Utd – Sir Alex chẵn 2 thập kỉ trước để mơ mộng Man Utd của Mourinho hiện tại cũng sẽ làm được như thế. Những kẻ bi quan sẽ chỉ nhìn vào thất bại và bản thành tích tệ hại hiện tại để dự báo về một mùa giải bão táp và… cái kết vô hậu cho HLV người Bồ Đào Nha.  Còn những người thực tế, có lẽ sẽ chưa vội đưa ra phán xét gì về Man Utd – Mourinho lúc này. Mùa giải mới chỉ đi được 3 vòng và vẫn còn cơ hội cũng như thời gian để “Quỷ đỏ” giải quyết những vấn đề của họ. Tất nhiên, điều đầu tiên và quan trọng nhất vẫn sẽ là Mourinho và các học trò của ông phải tìm được sự liên kết đủ tốt!

Những mùa giải Man Utd có thành tích 3 vòng đầu tệ nhất
 
2018/19 (Mourinho)W1, D0, L2 (HS 4/7, Điểm 3, hạng 13)
2014/15 (Van Gaal) W0, D2, L1 (HS 2/3, Điểm 2, hạng 14) – Chung cuộc: 4
2013/14 (D.Moyes) W1, D1, L1 (HS 4/2, Điểm 4, hạng 7) – Chung cuộc: 7
2007/08 (Sir Alex)W0, D2, L1 (HS 1/2, Điểm 2, hạng 17) – Chung cuộc: Vô địch
2004/05 (Sir Alex) W1, D1, L1 (HS 2/2, Điểm 4, hạng 9) – Chung cuộc: 3
1998/99 (Sir Alex) W1, D0, L2 (HS 3/3, Điểm 3, hạng 13) – Chung cuộc: Vô địch
1992/93 (Sir Alex) W0, D1, L2 (HS 2/6, Điểm 1, hạng 21) – Chung cuộc: Vô địch
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Chiến thắng tại El Clasico: Bản tóm gọn hoàn hảo về Barcelona mùa này

Trong bối cảnh các giải VĐQG thường xuyên nằm dưới sự thống trị của một nhóm nhỏ các siêu CLB quen thuộc, đôi khi rất khó để phân biệt sự khác nhau giữa các nhà vô địch. Tuy nhiên, chức vô địch La Liga 2024/25 của Barcelona, dù chưa chính thức về mặt toán học, sẽ mãi khắc sâu trong ký ức của những người đã dõi theo nó.

Barca "sống mà không cần đồng hồ"

Tôi có một người bạn không đeo đồng hồ. Có một thời gian, anh ấy thường nhét vào túi quần một chiếc điện thoại cũ, nhỏ với màn hình đen trắng và dùng sim trả trước không Internet. Giống như loại mà dân buôn “mai thúy” hay dùng để cuộc gọi không bị lần ra, hoặc cũng giống loại mà nhà phê bình phim Carlos Boyero hay dùng. Anh ấy thường chậm hơn mọi xu hướng, nhưng luôn là người mở đầu cho làn sóng tiếp theo.

Barcelona: Khi phía trước vẫn là bầu trời

Thất bại cay đắng trước Inter Milan tại bán kết Champions League mùa này sẽ là “sợi dây kinh nghiệm” quý giá đối với tập thể trẻ trung mà HLV Hansi Flick đang gây dựng tại sân Nou Camp. Sau tất cả những gì đã thể hiện, các cules hoàn toàn có quyền mơ mộng về một tương lai xán lạn hơn nữa dành cho đội bóng xứ Catalonia.

Đằng sau sự gục ngã của Arsenal ở mùa giải 2024/25

Đến hẹn lại lên, Arsenal luôn khởi đầu mùa giải với sự hứng khởi cùng ước mơ lớn lao về những danh hiệu cao quý. Thế nhưng, khi mùa giải sắp hạ màn, Pháo thủ thành London luôn khiến người hâm mộ của họ phải thất vọng, dù bất cứ lý do gì đi chăng nữa.

Inter Milan: Chạy theo giấc mơ từ Istanbul tới Munich

Thêm một lần nữa, tài năng của Simeone Inzaghi lại đưa Inter Milan lọt vào đến trận chung kết Champions League. Bỏ lại sau lưng tất cả những nỗi buồn trong đêm Istanbul cách đây hai năm, đã đến lúc đội bóng chủ sân Giuseppe Meazza viết tiếp câu chuyện cổ tích của mình.

Chelsea và bài toán hóc búa mang tên kinh nghiệm

Enzo Maresca, một HLV chưa có nhiều kinh nghiệm đang dẫn dắt một tập thể trẻ trung được gây dựng bởi một ban lãnh đạo cũng mới mẻ không kém. Trớ trêu thay, kinh nghiệm chính là thứ ông đang nhắc đến nhiều nhất thời điểm này.

Arsenal tái đấu PSG: Còn bao nhiêu phần trăm cơ hội vẫn phải cố!

Arsenal vẫn luôn biết cách đưa người hâm mộ đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Khi không được giới chuyên môn đặt quá nhiều kỳ vọng, đoàn quân Mikel Arteta lại xuất sắc đánh bại nhà đương kim vô địch Real Madrid trong cả hai lượt trận để hùng dũng tiến vào vòng bán kết Champions League với tổng tỉ số 5-1.