Everton và thứ gánh nặng mang tên lịch sử

Tác giả Nam Khánh - Thứ Bảy 14/12/2019 11:04(GMT+7)

Không có gì khó hiểu khi đối với những đội bóng như Everton, đó là một niềm tự hào to lớn. Nhưng trong cái thế giới đang ngày càng thay đổi mạnh mẽ này, thì cái “lịch sử vĩ đại” đó còn mang một ý nghĩa khác: Không còn là điểm mạnh, mà đã trở thành một điểm yếu.

Tin tức được lan truyền mạnh mẽ trong đêm, khi ấy, Everton đang thi đấu – và đã giành chiến thắng – tại Villa Park. Sau nhiều năm trời chờ đợi, rốt cuộc câu lạc bộ này cũng đã tìm thấy cho mình một ông chủ tỷ phú, một Mạnh Thường Quân với khối tản sản đủ để vực dậy “đội bóng thành công thứ tư nền bóng đá Anh” tìm lại chỗ đứng trong hàng ngũ của những tên tuổi hàng đầu của xứ sở sương mù. 

 
Trong số các cổ động viên đồng hành cùng câu lạc bộ đến sân khách, có những người gần như phát cuồng lên với tin tức này. Đó chính là những gì mà họ đã vô cùng khát khao trong suốt nhiều năm trời. Farhad Moshiri, một nhà tài phiệt Anglo-Irania, đã mua lại quyền kiểm soát Everton từ tay nhà sản xuất phim-sân khấu Bill Kenwright. Những ca khúc về sự giàu có của ông chủ mới đã được hát vang ở một góc sân vận động Villa Park, nơi tập trung các cổ động viên đội khách.
 
Sự phấn khích đó cũng mau chóng lan rộng bên trong câu lạc bộ. Tại một trong những cuộc gặp gỡ đầu tiên với huấn luyện viên trưởng của Everton – vào thời điểm đó đang là Roberto Martinez – Moshiri đã xác định về một số bảng hợp đồng tiềm năng mà mình muốn thực hiện trong kì chuyển nhượng mùa hè đầu tiên của ông tại đội bóng này.
 
Đó không phải là một danh sách mà các nhà cầm quân của Everton vẫn thường được nghe thấy: Những gã trai non trẻ, những ông già sắp đến tuổi về hưu, những kẻ bị bỏ rơi và những cái tên bị xem là người thừa ở các đội bóng hàng đầu châu Âu. Mà thay vào đó, đó là những mục tiêu thể hiện rõ cho tham vọng trỗi dậy của họ dưới thời ông chủ mới. Mesut Özil, một trong những cầu thủ được hưởng lương cao nhất nước Anh, chính là cái tên đứng đầu trong danh sách mục tiêu đó. Một chân trời mới, một tương lai đầy sáng sủa đã hiện lên rất rõ ở phía trước. Tất cả mọi thứ - như Moshiri đã hứa – sẽ thật sự trở nên khác biệt. 
 
Giờ thì chắc hẳn các bạn đều đã biết rõ tình hình ở hiện tại: Martinez bị sa thải; Người kế nhiệm của ông, Ronald Koeman, cũng bị sa thải; Sam Allardyce đến và phải ra đi chỉ trong vòng vài tháng, không được yêu mến và cũng không để lại sự tiếc nuối nào; và đến lượt Marco Silva, vào tối thứ Năm tuần trước, cũng phải chịu chung số phận với những người tiền nhiệm, sau thất bại nhục nhã trước Liverpool trong trận Derby vùng Merseyside; cùng với đó là hơn 500 triệu Dollar “đốt” trên thị trường chuyển nhượng một cách vô ích.
 
Các nguyên nhân để giải thích cho cái tình hình hiện tại là rất rõ ràng: Moshiri đang thiếu đi một tầm nhìn nhất quán về những gì mà ông muốn Everton trở thành; những thất bại của không chỉ một, mà là đến hai vị giám đốc thể thao được kì vọng sẽ chi tiêu những đồng tiền của ông một cách khôn ngoan; Và sự yếu kém của những người ngồi trên băng ghế huấn luyện. Có thể nói, Everton là một dạng câu lạc bộ vốn đã xuất hiện rất nhiều và  vô cùng quen thuộc tại nền bóng đá ở Premier League, những đội bóng không thể lập ra một kế hoạch dài hạn, tin rằng tiền có thể giải quyết được tất cả mọi vấn đề mà chính họ tạo ra cho mình. 
 
 
Nhưng đó cũng chỉ là một phần nguyên nhân, và phần nguyên nhân còn lại, cũng chính là một xu hướng đã lan rộng khắp lục địa, hoặc thậm chí là có thể xa hơn thế nữa. Có rất nhiều những đội bóng giống như Everton tại hầu hết các giải đấu lớn ở châu Âu: Leeds United, Aston Villa, West Ham và Newcastle United, Kaiserslautern và Hamburg, Real Zaragoza và Deportivo La Coruña. Olympique Marseille cũng đã phải nếm trải nó và dường như đang dần hồi phục trở lại; một loạt các đội bóng Ý, từ Sampdoria đến Lazio, cũng có thể được xem là nằm trong trường hợp này. 
 
Tất cả những cái tên ở trên, dù cho có rất nhiều sự khác biệt, nhưng đồng thời, cũng mang một điểm chung khá rõ ràng: Đó đều là những đội bóng có thể tự tin vỗ ngực khẳng định rằng họ có một lịch sử phong phú, đáng tự hào, đối với một vài trường hợp, thậm chí còn có thể mạnh miệng tự tuyên bố mình là một “siêu cường.” Thế nhưng, vì những giai đoạn tồi tệ hoặc những sự lựa chọn tồi tệ, họ đã bị tụt lùi quá xa ở phía sau trong cái thời đại mà thế giới bóng đá đang bị thống trị bởi những “superclub”.
 
Cùng với cái thời điểm mà những kẻ đã từng đứng ngang hàng với họ bỏ xa họ ở phía sau, thì ngay cả cái thế giới ở “phía sau” của họ cũng đã có những sự thay đổi rất lớn. Việc họ có một sân vận động lớn, một fanbase khổng lồ và một tủ cúp hoành tráng không còn đảm bảo cho họ cái quyền tự xem mình là một câu lạc bộ lớn nữa. Hiện tại, mọi đội bóng đều có thể kiếm được cả núi tiền nhờ vào bản quyền truyền hình. Ở Anh và Đức, điều đó có nghĩa là sân chơi đã trở nên đồng đều hơn. Còn ở những nơi khác, sự thay đổi về thời thế đã diễn ra theo hướng hoàn toàn chống lại họ. 
 
Những câu lạc bộ nhỏ hơn, những đội bóng mà họ từng xem nhẹ đã bắt đầu trỗi dậy một cách mạnh mẽ. Bournemouth, RB Leipzig, Sassuolo, Eibar không cần phải lo nghĩ và mang cái gánh nặng về việc duy trì, ôm ấp một cái quá khứ hào nhoáng, vĩ đại; Họ có thể thoải mái vạch ra và thử nghiệm một con đường mới, để chấp nhận những rủi ro, để làm những điều khác biệt và để viết nên một trang sử mới. Nếu thất bại, không vấn đề gì cả, chỉ việc làm lại từ đầu mà thôi. Đột nhiên, họ có được cả núi tiền trong tay để làm những điều đó một cách dễ dàng hơn. Đầu tiên, họ được nâng tầm đẳng cấp. Và sau đó, khi “những gã khủng lồ sa ngã” đang giậm chân tại chỗ, họ bùng nổ và có những bước đột phá để san bằng vị thế, hay thậm chí là vượt mặt những gã đó. 
 
Những gì đang xảy ra với Everton là một trường hợp điển hình trong câu chuyện về “đẳng cấp” của các câu lạc bộ. Sức nặng của lịch sử khiến cho nhiệm vụ đổi mới càng trở nên khó khăn và nhiều áp lực hơn. Những đòi hỏi từ các fan hâm mộ về sự thành công – không phải chỉ là chơi một thứ bóng đá tử tế và đứng ở vị trí thứ 12, mà là phải giữ vững cái hình ảnh của mình trong quá khứ, khi họ vẫn còn có thể cạnh tranh một cách mạnh mẽ các danh hiệu – đã tạo ra một môi trường đầy căng thẳng, áp lực. “Mức độ thất bại được cho phép” bị đẩy xuống cực thấp, trong khi mức độ kì vọng lại tăng ngày càng cao hơn. Chính vì vậy, những thay đổi đã được tiến hành một cách gấp gáp, mà không trải qua sự tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng. Và thế là những sai lầm đã liên tiếp xuất hiện. 
 
 
Trong một thời gian, điều đó sẽ không thành vấn đề. Họ có thể quanh quẩn ở giữa bảng xếp hạng, nhưng vẫn được bao bọc bởi cái quá khứ hào hùng của mình, vẫn duy trì được một sự cách biệt về mặt đẳng cấp so với những kẻ ở “phía sau”. Thế nhưng, sẽ có những thời điểm mà chỉ một sai lầm thôi cũng có thể tạo nên những hậu quả nghiêm trọng. Số lượng các câu lạc bộ sẵn sàng vượt mặt họ sẽ đạt đến một mức độ đáng báo động. Sự sụp đổ sẽ được đẩy nhanh tiến độ hơn bao giờ hết. Hiện tại, Zaragoza đang chơi ở giải hạng hai Tây Ban Nha. Hamburg đã phải xuống hạng lần đầu tiên trong lịch sử ở cuối mùa giải trước. Còn Kaiserslautern đang phải chơi ở tận giải hạng ba.  
 
Liệu cái kết cục tương tự có xảy đến với Everton, một đội bóng chưa từng bị xuống hạng khỏi Premier League? Mọi chuyện không nhất thiết sẽ diễn ra theo hướng tồi tệ như vậy. Họ có lẽ sẽ tự kéo mình ra khỏi cuộc chiến trụ hạng trong những tháng tới. Có lẽ vị huấn luyện viên tiếp theo của họ sẽ có thể ngăn chặn được sự sụp đổ. Trong chiến thắng 3-1 trước Chelsea cuối tuần vừa qua, Duncan Ferguson ăn mừng sau bàn thắng thứ ba, chúng ta có thể nhận ra được chiến thắng này có ý nghĩa như thế nào đối với Everton. Mới vừa chia tay HLV Marco Silva hai ngày trước, 3 điểm thực sự là niềm động viên lớn đối với The Toffees

 
Thế nhưng, những bài học, đã được diễn ra trên khắp châu lục, là sẽ không một câu lạc bộ nào trong số đó được nằm trong vùng an toàn cả. Thế giới bóng đá sẽ không đảm bảo cho họ sự bất biến, dù cho lịch sử có vĩ đại đến đâu. Không có gì khó hiểu khi đối với những đội bóng như Everton, đó là một niềm tự hào to lớn. Nhưng trong cái thế giới đang ngày càng thay đổi mạnh mẽ này, thì cái “lịch sử vĩ đại” đó còn mang một ý nghĩa khác: Không còn là điểm mạnh, mà đã trở thành một điểm yếu. 
 
Lược dịch từ bài viết “Everton and the Burden of History” của tác giả Rory Smith, đăng tải trên The New York Times.
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Chiến thắng tại El Clasico: Bản tóm gọn hoàn hảo về Barcelona mùa này

Trong bối cảnh các giải VĐQG thường xuyên nằm dưới sự thống trị của một nhóm nhỏ các siêu CLB quen thuộc, đôi khi rất khó để phân biệt sự khác nhau giữa các nhà vô địch. Tuy nhiên, chức vô địch La Liga 2024/25 của Barcelona, dù chưa chính thức về mặt toán học, sẽ mãi khắc sâu trong ký ức của những người đã dõi theo nó.

Barca "sống mà không cần đồng hồ"

Tôi có một người bạn không đeo đồng hồ. Có một thời gian, anh ấy thường nhét vào túi quần một chiếc điện thoại cũ, nhỏ với màn hình đen trắng và dùng sim trả trước không Internet. Giống như loại mà dân buôn “mai thúy” hay dùng để cuộc gọi không bị lần ra, hoặc cũng giống loại mà nhà phê bình phim Carlos Boyero hay dùng. Anh ấy thường chậm hơn mọi xu hướng, nhưng luôn là người mở đầu cho làn sóng tiếp theo.

Barcelona: Khi phía trước vẫn là bầu trời

Thất bại cay đắng trước Inter Milan tại bán kết Champions League mùa này sẽ là “sợi dây kinh nghiệm” quý giá đối với tập thể trẻ trung mà HLV Hansi Flick đang gây dựng tại sân Nou Camp. Sau tất cả những gì đã thể hiện, các cules hoàn toàn có quyền mơ mộng về một tương lai xán lạn hơn nữa dành cho đội bóng xứ Catalonia.

Đằng sau sự gục ngã của Arsenal ở mùa giải 2024/25

Đến hẹn lại lên, Arsenal luôn khởi đầu mùa giải với sự hứng khởi cùng ước mơ lớn lao về những danh hiệu cao quý. Thế nhưng, khi mùa giải sắp hạ màn, Pháo thủ thành London luôn khiến người hâm mộ của họ phải thất vọng, dù bất cứ lý do gì đi chăng nữa.

Inter Milan: Chạy theo giấc mơ từ Istanbul tới Munich

Thêm một lần nữa, tài năng của Simeone Inzaghi lại đưa Inter Milan lọt vào đến trận chung kết Champions League. Bỏ lại sau lưng tất cả những nỗi buồn trong đêm Istanbul cách đây hai năm, đã đến lúc đội bóng chủ sân Giuseppe Meazza viết tiếp câu chuyện cổ tích của mình.

Chelsea và bài toán hóc búa mang tên kinh nghiệm

Enzo Maresca, một HLV chưa có nhiều kinh nghiệm đang dẫn dắt một tập thể trẻ trung được gây dựng bởi một ban lãnh đạo cũng mới mẻ không kém. Trớ trêu thay, kinh nghiệm chính là thứ ông đang nhắc đến nhiều nhất thời điểm này.

Arsenal tái đấu PSG: Còn bao nhiêu phần trăm cơ hội vẫn phải cố!

Arsenal vẫn luôn biết cách đưa người hâm mộ đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Khi không được giới chuyên môn đặt quá nhiều kỳ vọng, đoàn quân Mikel Arteta lại xuất sắc đánh bại nhà đương kim vô địch Real Madrid trong cả hai lượt trận để hùng dũng tiến vào vòng bán kết Champions League với tổng tỉ số 5-1.