Chuyện hàng công tuyển Đức: Biến hóa và đa dạng đến đáng sợ

Tác giả Nam Khánh - Chủ Nhật 23/06/2024 14:26(GMT+7)

Sự tự do về vị trí thi đấu và lối đá tấn công phóng khoáng của đội tuyển Đức vừa giúp họ có lần đầu tiên giành chiến thắng cả 2 trận đầu tại một giải đấu lớn trong 12 năm qua – và chìa khoá chính là cấu trúc của 6 ngôi sao phía sau quả bóng của họ.

 

Julian Nagelsmann hiểu rõ bản chất của sân chơi này. “Khía cạnh chiến thuật của bóng đá quốc tế và của bóng đá cấp CLB rất khác nhau. Trại huấn luyện của các ĐTQG không phải là nơi thích hợp để nhồi nhét những ý tưởng chiến thuật phức tạp và nhiều cơ chế. Các huấn luyện viên phải chấp nhận điều chỉnh phong cách bóng đá của bản thân để có thể làm nên chuyện với dàn cầu thủ mình nắm, chứ không phải ngược lại, và vai trò của các cầu thủ cũng như chiến thuật của đội càng tạo được sự ‘thân quen’ với những gì họ đã làm tại CLB của mình thì càng tốt.

“Những thời điểm cực kỳ khó khăn là điều không thể tránh khỏi, và vì vậy chìa khoá then chốt là các cầu thủ phải dễ dàng nắm bắt được những chỉ đạo,” ông chia sẻ trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với tư cách HLV trưởng của đội tuyển Đức vào tháng 9 năm 2023. “Chúng không được quá phức tạp như trong công tác huấn luyện ở bóng đá cấp CLB. Mấu chốt là việc mang đến những điều mà các cầu thủ dễ dàng nhận biết.”

Sự tự do về vị trí thi đấu và lối đá tấn công phóng khoáng của đội tuyển Đức vừa giúp họ có lần đầu tiên giành chiến thắng cả 2 trận đầu tại một giải đấu lớn trong 12 năm qua – và chìa khoá chính là cấu trúc của 6 ngôi sao phía sau quả bóng của họ.

 

***

Nagelsmann chỉ cần 4 trận đấu để tìm ra được sự cân bằng phù hợp cho đội bóng này. Những hệ thống đã được thử nghiệm bao gồm 4-4-2 kim cương, đội hình 3 trung vệ với Kai Havertz đá wingback, và 4-2-3-1 với Joshua Kimmich đá tiền vệ và Niclas Fullkrug chơi trung phong.

Cuối cùng, trong trận đấu với đội tuyển Pháp vào tháng 3, ông đã tiếp tục triển khai đội hình 4-2-3-1 nhưng với cách sắp xếp các cầu thủ khác với lần trước đó: Có tới 3 tiền vệ số 10 (tiền vệ tấn công) được đưa vào hệ thống, bao gồm Jamal Musiala và Florian Wirtz chơi hai bên đội trưởng Ilkay Gundogan. Còn người sắm vai trung phong là Kai Havertz, qua đó mang tới cho tuyển Đức 4 chuyên gia giữ bóng / xử lý bóng trên hàng công, đồng nghĩa với 4 phương án tiếp nhận bóng cao cấp. Sự khác biệt duy nhất giữa đội hình xuất trận của họ trong trận thắng 2-0 trước đội tuyển Pháp hồi ấy và chiến thắng gần đây với cùng tỷ số trước Hungary chính là vị trí thủ môn - Manuel Neuer đã thay thế Marc-Andre ter Stegen.

Julian Nagelsmann và niềm tin vững chắc nơi Manuel Neuer
Trước Euro 2024, cuộc tranh cãi cho rằng Julian Nagelsmann nên sử dụng Marc-Andre ter Stegen thay vì Manuel Neuer nổ ra; nhưng những gì đang diễn ra trên đất Đức cho thấy: HLV trưởng của “Cỗ xe tăng” đã đúng khi đặt niềm tin vào Neuer. 

Bộ tứ hậu vệ và 2 tiền vệ trung tâm, Toni Kroos và Robert Andrich, đảm nhận những vai trò cố định khác nhau. Kross đã thường xuyên di chuyển ra khu vực hành lang trong phía cánh trái giống như khi chơi ở Real Madrid. Điều này giúp tuyển Đức tận dụng tối đa khả năng chuyền bóng đa dạng cự ly của anh, nhử các đối thủ đẩy cao đội hình pressing, và bổ khuyết cho trung vệ lệch trái thuận chân phải Jonathan Tah.

Còn hậu vệ trái Maximilian Mittelstadt thì liên tục dâng cao, do đó Andrich sẽ phải cáng đáng trọng trách một tiền vệ trụ độc lập. Hệ thống này đã đặt các cầu thủ vào những vai trò quen thuộc của họ ở bóng đá cấp CLB, 2 ví dụ khác là Kimmich đá hậu vệ phải và Havertz sắm vai một trung phong độc lập.  

 

Dưới đây là cách bày binh bố trận của tuyển Đức trong trận giao hữu với Pháp hồi tháng 3…

 

Còn đây là trận ra quân của họ tại Euro 2024, trước đối thủ Scotland…

 

Và trận thắng trước Hungary…

 

Nagelsmann đã tận dụng rất tốt các trận giao hữu để chuẩn bị cho Euro 2024 – với việc không phải đá vòng loại vì họ là đội chủ nhà, tuyển Đức chẳng có trận đấu chính thức nào để chơi trong khoảng thời gian giữa World Cup 2022 và Euro 2024 cả. Có tới 7 trong số 8 trận giao hữu của họ dưới thời Nagelsmann là những cuộc đối đầu với các đội bóng sẽ tham dự Euro hoặc Copa America trong mùa hè này (chỉ có Hy Lạp là ngoại lệ). Tuy những trận đấu đó chắc chắn không nghiêm túc và căng thẳng như các trận đấu vòng loại thực thụ, nhưng chúng vẫn là cơ hội tốt để Nagelsmann thử nghiệm những chiến thuật của ông trước các đối thủ giỏi pressing (Áo và Pháp) và các đối thủ có khuynh hướng triển khai khối phòng ngự tầm trung (Ukraine và Mexico).

Họ cũng đã được đưa vào một bảng đấu dễ thở, chẳng có sự góp mặt của đối thủ lớn nào và các đội bóng mà họ sẽ chạm trán đều là những đối thủ giống nhau về mặt chiến thuật. Scotland, Hungary và Thuỵ Sĩ đều sử dụng các biến thể của đội hình hàng thủ 5 người (Scotland và Hungary dùng 5-4-1), và mặc dù Thuỵ Sĩ có khả năng kiểm soát trận đấu tốt hơn 2 đội kia, nhưng tựu chung thì cả 3 đội đều thích triển khai khối phòng ngự tầm trung.

Đội hình và phong cách thi đấu mà Nagelsmann thi triển đã khiến các đối thủ gặp khó khăn trong việc ngăn chặn bộ 3 tiền vệ số 10 của tuyển Đức. Hoặc là họ phải kéo các tiền vệ của mình xuống thấp, dẫn tới hệ quả là Kroos sẽ có nhiều thời gian và không gian hơn để nhận và xử lý bóng, hoặc là các trung vệ của họ phải thường xuyên rời vị trí để lao lên cao truy cản đối thủ. Phương án hai sẽ mở ra rất nhiều khoảng trống ở phía sau hàng thủ của họ để Kai Havertz và 3 tiền vệ số 10 của tuyển Đức đánh vào, khiến nguy cơ nhận nhiều thẻ phạt trở nên rất cao.

Scotland và Hungary đã cố gắng phòng ngự bằng cách kết hợp cả 2 phương án trên, nhưng sự linh hoạt của bộ tứ cầu thủ tấn công người Đức, và kỹ thuật cá nhân cao cường mà họ sở hữu để xử lý bóng mượt mà trong không gian hẹp hoặc trong tình thế bị gây áp lực, đã càng tạo ra nhiều vấn đề hơn cho đối thủ.

“Họ có hết mọi câu trả lời cho mọi vấn đề, thực sự đấy,” đội trưởng Andy Robertson của đội tuyển Scotland thừa nhận sau trận thua thảm 5-1 trước tuyển Đức. “Lối chơi của họ cực kỳ đa dạng, cực kỳ khó đoán. Chúng tôi chẳng thể nào dự đoán được liệu họ sẽ tung ra những đường chuyền trực diện ra phía sau hàng thủ của chúng tôi hay sẽ phối hợp bóng ngắn đánh vào các khoảng trống lộ ra giữa đội hình chúng tôi.”

Đức đã tiếp tục thể hiện sự đa dạng đó trước Hungary. Chỉ trong vòng 10 phút đầu trận, trung vệ Antonio Rudiger đã có đến 3 đường chuyền hướng ra phía sau hàng thủ đối phương cho Kai Havertz.

 

Wirtz, Musiala và Gundogan – họ đều đã ghi bàn tại giải đấu – sẽ liên tục hoán đổi và thay đổi vị trí của họ dựa trên nhu cầu của tuyển Đức trong trận đấu. Musiala đã có 8 pha rê dắt bóng và 32 đường chuyền trong trận đấu với Scotland, vì khối phòng ngự tầm trung của đối thủ đã bị nới lỏng – anh đã có nhiều khoảng trống để dễ dàng thực hiện các pha “half-turn” (nhận bóng trong tư thế nghiêng người với đối thủ ở phía sau, rồi lập tức xoay cơ thể hướng về trước cùng bóng). Hungary thì phòng ngự chặt chẽ và quyết liệt hơn, vậy nên Musiala đã chơi rộng hơn, rê bóng ít hơn và phối hợp với các đồng đội nhiều hơn: Thực hiện 45 đường chuyền, chỉ có 2 pha rê dắt bóng, và có nhiều pha dẫn bóng đường dài bắt đầu từ cánh trên khắp sân đấu, thay vì chủ yếu là những tình huống dẫn bóng ngắn, sắc bén từ các khoảng không gian trong trung lộ.

 

“Chúng tôi thua vì đội hình của họ toàn là những cầu thủ đẳng cấp thế giới,” HLV trưởng Marco Rossi của Hungary nhận định. “Chiến thuật của chúng tôi đã phát huy tác dụng – chúng tôi đã ép được họ dạt ra hai cánh, nhưng các trung vệ của chúng tôi lại thường xuyên chậm trễ trong việc pressing.”

Điều đó đã được thể hiện ngay trong bàn mở tỷ số. Tuy đã phải mất chút công sức cho việc pressing chống phản công và sau đó xử lý bóng hơi chệch choạc, nhưng rõ ràng là bộ 3 số 10 của tuyển Đức đã phối hợp rất ăn ý với nhau. Họ đoạt lại quyền kiểm soát bóng về cho tuyển Đức ngay bên phần sân Hungary. Wirtz, từ cánh phải, chuyền bóng vào bên trong sân đấu cho Musiala, rồi Musiala chọc khe tạo cơ hội ghi bàn cho Gundogan – những pha chạy vượt bóng của lão tướng này chính là một trong các đặc trưng của hàng công tuyển Đức. Mặc dù đã có một pha chạm bóng bước một không tốt, nhưng người đội trưởng 33 tuổi đã kịp thời đoạt lại nó từ Willi Orban, đánh bại sự truy cản của thủ môn đối phương rồi kiến tạo cho Musiala ghi bàn.

 

Gundogan đã nhân đôi cách biệt cho tuyển Đức vào giữa hiệp hai, với một cú dứt điểm sắc bén sau đường chuyền trả ngược của Mittelstadt từ cánh trái. Tình huống phối hợp này – một hậu vệ cánh dâng cao thực hiện một đường chuyền từ rìa vòng cấm cho một tiền vệ số 10 dứt điểm một chạm – cũng tương tự với pha kiến tạo từ Kimmich cho Wirtz ghi bàn trước Scotland. 

Còn quá trình triển khai bóng trước đó thì sao? Kroos, từ hành lang trong phía cánh trái, chuyền bóng tới chân Musiala. Tình huống này đã nhử wingback phải Bendeguz Bolla của Hungary “bỏ quên” Mittelstadt để tập trung truy cản Musiala, và Mittelstadt đã được nhận bóng từ Musiala cùng một khoảng trống rộng mở.

 
 

Hai pha ghi bàn đó đã biến tuyển Đức thành đội bóng có nhiều bàn thắng nhất ở vòng bảng của một kỳ Euro (7 bàn) và chỉ đứng sau Hà Lan của năm 2008 về số pha ghi bàn trong 2 trận đầu tiên.

Có 2 tin tức khác còn tích cực hơn nữa đối với Nagelsmann là những bàn thắng đó đã đến từ 6 cầu thủ khác nhau, và Fullkrug – một tiền đạo mục tiêu – đã chứng minh anh là một sự lựa chọn vừa hoàn toàn khác biệt với Kai Havertz, vừa rất chất lượng trên băng ghế dự bị.

Bước vào giai đoạn đấu loại trực tiếp, bài test lớn nhất của tuyển Đức là họ sẽ phải triển khai bóng thậm chí còn tốt hơn nữa (mắc ít sai lầm hơn) để ít phải phòng ngự hơn. Hungary đã khai thác điểm yếu Gegenpressing (pressing chống phản công) của tuyển Đức tốt hơn Scotland – chuyện này đã được thể hiện rất rõ ràng trong trận giao hữu trước giải đấu với Hy Lạp. Đội tuyển Đức không có một hàng thủ đặc biệt cơ động, và việc cặp hậu vệ cánh của họ dâng cao rất thường xuyên đã mở ra nhiều khoảng trống để các wingback đối thủ khai thác. Phong cách phối hợp bóng ngắn của họ bên phần sân đối thủ, và sở thích rê dắt bóng của bộ 3 tiền vệ số 10 có nguy cơ dẫn tới những tình huống mất bóng nguy hiểm. Các ĐTQG mạnh hơn chắc chắn sẽ làm tốt hơn trong việc trừng phạt thầy trò Nagelsmann nếu họ mắc sai lầm.

 

Suy cho cùng, mọi phong cách bóng đá và chiến thuật đều có những rủi ro và lỗ hổng, nhất là khi đội tuyển Đức ngoài trọng trách giành chiến thắng ra thì còn có trách nhiệm phải áp đặt lên các trận đấu sự thống trị tuyệt đối nữa. Một phần là vì họ chính là đội chủ nhà của giải đấu, nhưng trên hết là để họ chứng tỏ bản thân sau những thất bại đáng xấu hổ trong giai đoạn 2018-2022, bao gồm 2 giải đấu bị loại ngay từ vòng bảng và 1 giải bị loại ở vòng 16 đội. Trận thắng 2-0 trước Hungary cũng là lần đầu tiên tuyển Đức giữ sạch lưới tại một giải đấu lớn kể từ sau chiến thắng 3-0 trước Slovakia ở Euro 2016 (tức là cách đây 14 trận).

Thành tích mà thầy trò Nagelsmann đạt được với hệ thống và dàn nhân sự hiện tại đang ngày càng tốt hơn: Tuyển Đức đã thắng 5 và hoà 1 trong 6 trận gần nhất, với tổng tỷ số là 13-3 và thiết lập nên một kỷ lục quốc gia. Rõ ràng Nagelsmann đã rất nhanh chóng học được cách để hành nghề huấn luyện ở môi trường bóng đá quốc tế.

Theo Liam Tharme, The Athletic

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Chiến thắng tại El Clasico: Bản tóm gọn hoàn hảo về Barcelona mùa này

Trong bối cảnh các giải VĐQG thường xuyên nằm dưới sự thống trị của một nhóm nhỏ các siêu CLB quen thuộc, đôi khi rất khó để phân biệt sự khác nhau giữa các nhà vô địch. Tuy nhiên, chức vô địch La Liga 2024/25 của Barcelona, dù chưa chính thức về mặt toán học, sẽ mãi khắc sâu trong ký ức của những người đã dõi theo nó.

Barca "sống mà không cần đồng hồ"

Tôi có một người bạn không đeo đồng hồ. Có một thời gian, anh ấy thường nhét vào túi quần một chiếc điện thoại cũ, nhỏ với màn hình đen trắng và dùng sim trả trước không Internet. Giống như loại mà dân buôn “mai thúy” hay dùng để cuộc gọi không bị lần ra, hoặc cũng giống loại mà nhà phê bình phim Carlos Boyero hay dùng. Anh ấy thường chậm hơn mọi xu hướng, nhưng luôn là người mở đầu cho làn sóng tiếp theo.

Barcelona: Khi phía trước vẫn là bầu trời

Thất bại cay đắng trước Inter Milan tại bán kết Champions League mùa này sẽ là “sợi dây kinh nghiệm” quý giá đối với tập thể trẻ trung mà HLV Hansi Flick đang gây dựng tại sân Nou Camp. Sau tất cả những gì đã thể hiện, các cules hoàn toàn có quyền mơ mộng về một tương lai xán lạn hơn nữa dành cho đội bóng xứ Catalonia.

Đằng sau sự gục ngã của Arsenal ở mùa giải 2024/25

Đến hẹn lại lên, Arsenal luôn khởi đầu mùa giải với sự hứng khởi cùng ước mơ lớn lao về những danh hiệu cao quý. Thế nhưng, khi mùa giải sắp hạ màn, Pháo thủ thành London luôn khiến người hâm mộ của họ phải thất vọng, dù bất cứ lý do gì đi chăng nữa.

Inter Milan: Chạy theo giấc mơ từ Istanbul tới Munich

Thêm một lần nữa, tài năng của Simeone Inzaghi lại đưa Inter Milan lọt vào đến trận chung kết Champions League. Bỏ lại sau lưng tất cả những nỗi buồn trong đêm Istanbul cách đây hai năm, đã đến lúc đội bóng chủ sân Giuseppe Meazza viết tiếp câu chuyện cổ tích của mình.

Chelsea và bài toán hóc búa mang tên kinh nghiệm

Enzo Maresca, một HLV chưa có nhiều kinh nghiệm đang dẫn dắt một tập thể trẻ trung được gây dựng bởi một ban lãnh đạo cũng mới mẻ không kém. Trớ trêu thay, kinh nghiệm chính là thứ ông đang nhắc đến nhiều nhất thời điểm này.

Arsenal tái đấu PSG: Còn bao nhiêu phần trăm cơ hội vẫn phải cố!

Arsenal vẫn luôn biết cách đưa người hâm mộ đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Khi không được giới chuyên môn đặt quá nhiều kỳ vọng, đoàn quân Mikel Arteta lại xuất sắc đánh bại nhà đương kim vô địch Real Madrid trong cả hai lượt trận để hùng dũng tiến vào vòng bán kết Champions League với tổng tỉ số 5-1.