Bên trong AC Milan: Đánh thức gã khổng lồ ngủ say (P1)

Tác giả Nam Khánh - Chủ Nhật 27/09/2020 15:25(GMT+7)

Sức nặng của cái tên “AC Milan” là một thứ trường tồn theo thời gian. “Những giá trị đó sẽ không bao giờ tan biến,” Gazidis giải thích. “Chúng được xây dựng bởi các mối quan hệ giữa người với người trải qua nhiều thế hệ.” Ví dụ tiêu biểu nhất, chính là triều đại của gia tộc Maldini.

PHẦN 1: CÔNG TÁC TUYỂN DỤNG

 
Khi các giám đốc của AC Milan đi làm vào mỗi buổi sáng, một trong những thứ đầu tiên mà họ chắc chắn nhìn thấy sẽ là lối vào của khu bảo tàng nằm ở tầng trệt Casa Milan, tòa nhà trụ sở đầy hiện đại của câu lạc bộ tại quận Portello. Được bao bọc bên trong những bước tường nghiêng của căn phòng trưng bày cúp theo phong cách pantheon là tất cả mọi danh hiệu mà Rossoneri giành được trong lịch sử hào hùng của họ. Nằm ở trung tâm căn phòng là một phiên bản khủng lồ của chiếc cúp Champions League, thứ mà Milan đã chạm đến tận 7 lần. 
 
Cầm trên tay một ly Espresso trong phòng họp ban lãnh đạo ở tầng 4, giám đốc điều hành Ivan Gazidis đã bày tỏ tham vọng của ông về việc “giúp câu lạc bộ xây dựng lại hình ảnh của một thế lực hùng mạnh trong thế giới bóng đá”. Ông gọi đây là “một cơ hội kỳ diệu” và đã dành 18 tháng qua để “tìm cách giúp tham vọng này trở nên khả thi, cách để tạo ra một Milan mới. Nhưng kế hoạch được vạch ra nhất định phải tôn trọng, phải duy trì những giá trị và bản sắc của câu lạc bộ. Milan mà tất cả chúng ta đều yêu mến và được biết đến thông qua những câu chuyện nằm trong cuốn sách thần thoại của thế giới bóng đá.”
 
Mùa giải 2020/2021 đã đánh dấu cột mốc 10 năm kể từ lần cuối cùng Milan giành được Scudetto. Ngoài ra, Rossoneri cũng đã vắng mặt ở Champions League, giải đấu mà họ là câu lạc bộ thành công thứ hai, kể từ năm 2014. Paolo Maldini đã từng được tận hưởng cảm giác nâng cúp ở đấu trường danh giá nhất châu Âu trong 3 thập kỷ khác nhau khi còn chơi bóng. Người đàn ông biểu tượng của Rossoneri hiện tại đang nằm trong đội ngũ ban lãnh đạo của Milan với tư cách là giám đốc kỹ thuật, bên cạnh nhân vật đứng đầu các hoạt động bóng đá Hendrik Almstadt, giám đốc thể thao Ricky Massara, trưởng bộ phận trinh sát Geoffrey Moncada – năm nay 33 tuổi, và một đại diện được cử đến bởi chủ sở hữu câu lạc bộ, một quỹ đầu cơ, Elliott Management.

 
“Mọi đội bóng đá đều có những chu kỳ,” Maldini chia sẻ với The Athletic. “Chúng tôi thật may mắn khi đã có một chu kỳ kéo dài tận 25 năm, chạm được đến những đỉnh cao đáng kinh ngạc trong xuyên suốt giai đoạn ngài Silvio Berlusconi ngồi trên chiếc ghế chủ tịch. Mỗi câu lạc bộ đều có lúc thăng, lúc trầm. Dù là Manchester United hay Real Madrid cũng vậy. Những đội hình siêu hạng và các danh hiệu cao quý luôn gắn liền với mọi câu lạc bộ lớn, nhưng họ cũng đã phải trải qua những khoảng thời gian đầy khó khăn trong lịch sử của mình.”
 
Sức nặng của cái tên “AC Milan” là một thứ trường tồn theo thời gian. “Những giá trị đó sẽ không bao giờ tan biến,” Gazidis giải thích. “Chúng được xây dựng bởi các mối quan hệ giữa người với người trải qua nhiều thế hệ.” Ví dụ tiêu biểu nhất, chính là triều đại của gia tộc Maldini. “Cesare, cha của tôi, đã từng đeo băng đội trưởng của Milan và là người Ý đầu tiên được nâng chiếc cúp đó,” Paolo chia sẻ, chẳng cần phải nói rõ ra tên của “chiếc cúp đó” là chức vô địch châu Âu. Mối liên kết giữa Milan và gia đình Maldini với đấu trường này là một câu chuyện đã quá nổi tiếng. 
 
Milan vốn đã từng trải qua những cuộc suy tàn và hồi sinh trong quá khứ. Có lẽ không quá nhiều người nhớ về chuyện Rossoneri từng nếm trải một cơn khát danh hiệu kéo dài từ năm 1907 đến tận năm 1951, hay những lần xuống hạng vào đầu những năm 1980, khi Franco Baresi quyết tâm “đồng cam cộng khổ” với đội bóng. Họ tự tin rằng mình sớm muộn cũng sẽ hồi sinh từ tình cảnh ảm đạm của hiện tại. “Chúng ta đã nhìn thấy Liverpool làm được điều đó,” Gazidis khẳng định. “Họ cũng đã phải trải qua một khoảng thời gian dài nhìn đâu cũng chỉ thấy sự vô vọng, nhưng những giá trị của câu lạc bộ vẫn ‘sống’ tốt và một cuộc hồi sinh là điều chắc chắn sẽ diễn ra.” 
 
Trong quá khứ, Milan từng khôi phục lại vị thế của mình ở đỉnh cao của thế giới bóng đá nhờ vào những sự sáng tạo. Xuyên suốt chiều dài lịch sử của câu lạc bộ này, họ đã nhiều lần trở thành những người đi tiên phong trong việc thay đổi môn thể thao vua. Từ Catenaccio của Nereo Rocco cho đến các khái niệm về pressing và phòng ngự khu vực (zonal marking) của Arrigo Sacchi, các ý tưởng được ấp ủ, nảy nở tại đây đã giúp thế giới bóng đá đạt được những bước tiến dài, biến đổi nó mãi mãi. Milanlab cũng từng được xem là một ví dụ khác về vai trò cực kỳ quan trọng của câu lạc bộ thành Milan trong quá trình phát triển của môn thể thao vua, họ đã đạt được sự thành công trong việc giúp kéo dài sự nghiệp của những huyền thoại như Paolo Maldini đến tận tuổi 40, qua đó giành lấy vị thế đi đầu trong lĩnh vực khoa học thể thao. 
 
Thế giới túc cầu đã hoàn toàn thay đổi so với khi Maldini bước chân lên vũ đài chuyên nghiệp. Ông nhận thức rõ điều đó. Hồi tưởng về chiếc cúp châu Âu đầu tiên mà mình giành được cùng Rossoneri vào năm 1989, ông chia sẻ: “Vào thời điểm ấy, các câu lạc bộ Anh đang bị cấm góp mặt ở đấu trường châu Âu, và nếu bạn muốn sở hữu cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, bạn có thể tiếp cận và ký hợp đồng với anh ta mà chẳng gặp phải vấn đề gì to tát. Còn giờ thì bạn sẽ phải đương đầu với những sự cạnh tranh rất lớn đến từ Đức, Pháp, Anh và Tây Ban Nha.”
 
Nhiệm vụ tìm kiếm một lợi thế đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. 
 
Khi Milan bước vào trận chung kết Champions League 2007 diễn ra tại Athens và thực hiện một cuộc phục thù với đối thủ mà họ đã để thua cay đắng hai năm trước đó – Liverpool, Rossoneri đứng ở vị trí thứ năm trên Deloitte Money League (bảng xếp hạng những câu lạc bộ có doanh thu cao nhất châu Âu). Vào thời điểm ấy, họ kiếm được ít hơn 53,5 triệu Euro so với câu lạc bộ đạt doanh thu cao nhất, Real Madrid. Hiện tại, họ đang đứng dưới tận vị trí thứ 21 trong danh sách này.

Rossoneri chỉ kiếm được nhiều hơn 6 triệu Euro so với cái tên xếp cuối cùng là Leicester City và khoảng cách giữa doanh thu của họ với đội bóng giàu nhất hành tinh, Barcelona, lên đến 634,5 triệu euro. Sự khôn ngoan trong chuyện kinh doanh và những bản hợp đồng truyền hình khổng lồ của Premier League đã giúp giải đấu này bứt lên mạnh mẽ, các câu lạc bộ Bundesliga đã tái thiết một cơ sở hạ tầng chất lượng từ trước World Cup 2006 và La Liga, với sự nổi lên của một thế hệ vàng của những cầu thủ Tây Ban Nha, cùng với đó là sự xuất hiện của hai gã quái vật Lionel Messi và Cristiano Ronaldo, cũng như bộ não thiên tài của Pep Guardiola, đã mở ra một kỷ nguyên thống trị. Serie A đã hoàn toàn bị tụt lại ở phía sau.
 
Tầm vóc của nhiệm vụ hiện tại là rất rõ ràng. “Loại bỏ đi yếu tố cảm xúc, bất kỳ ai nhìn vào Milan và bóng đá Ý đều có thể thấy rõ các thách thức,” Gazidis bộc bạch. “Nhưng điều mà tôi nhận thấy là những cơ hội đầy bất ngờ.” 
 
Vị giám đốc người Nam Phi tin rằng, nếu tối đa hóa được chúng, Milan sẽ hồi sinh thành công ánh hào quang trong quá khứ. “Chúng tôi biết rõ về lộ trình mà mình phải đi, nó vốn đã bày ra sẵn trước mặt rồi,” Ông khẳng định. “Chúng tôi không cần trở thành Steve Jobs, phải tốn công sức phát minh ra một sản phẩm mới.”  
 
Dưới đây chính là những gì mà họ đang làm để hiện thực hóa tham vọng của mình …
 
CÔNG TÁC TUYỂN DỤNG

Khi Elliott Management Corporation tiếp quản Milan từ tay doanh nhân người Trung Quốc Lý Dũng Hồng vào tháng 7 năm 2018, câu lạc bộ này đang ở trong một tình trạng rất tối tăm. 
 
Các bộ máy lãnh đạo trước đó đã nỗ lực hồi sinh gã khổng lồ đang ngủ say của bóng đá Ý với những khoản tiền khổng lồ được chi ra trên thị trường chuyển nhượng vào các năm 2015 và 2017, nhưng kết quả cuối cùng đều là Milan thậm chí còn chẳng giành được tấm vé tham dự Champions League. “Tình hình tài chính khi đó tệ đến mức chúng tôi phải chấp nhận một án phạt cấm thi đấu ở đấu trường châu Âu,” Gazidis đề cập đến hậu quả của việc Rossoneri đã không đáp ứng được yêu cầu hòa vốn mà luật công bằng tài chính (FFP) đặt ra. 
 
Sau khi Elliott rót 50 triệu Euro tiền tài trợ khẩn cấp để ổn định bảng cân đối kế toán của Milan, đội ngũ giám đốc mới đã bắt đầu làm việc cật lực để xoay chuyển tình thế của câu lạc bộ. “Tất cả số tiền mà chúng tôi ‘lỗ’ chủ yếu là vì những khoản lương chi trả cho các cầu thủ và những mức phí chuyển nhượng – tuy cực kỳ, cực kỳ cao, nhưng lại chẳng thể vực dậy được phong độ trên sân cỏ của đội bóng.” Gazidis giải thích.

 
Một quỹ lương cao thứ hai Serie A đã đưa Milan đến được đâu? Đội bóng mà Elliott tiếp quản chỉ đứng ở vị trí thứ sáu. 
 
“Đây là một thách thức lớn đối với bất kỳ đội bóng đá nào,” Gazidis giải thích thêm. “Chúng tôi cần phải hoạt động hiệu quả hơn trong cái cách sử dụng số tiền mà mình có và đồng thời cải thiện phong độ trên sân cỏ.” 
 
Vị cựu giám đốc điều hành của MLS và Arsenal đã thành lập một ủy ban kỹ thuật có nhiều điểm tương đồng so với ủy ban tại Liverpool. Maldini, Massara, Almstadt, Moncada đều được bổ nhiệm vào nhóm này, và Elliott cũng có một người đại diện nằm trong danh sách các lãnh đạo. 
 
Gazidis đã bắt đầu đưa ra tầm nhìn của ông cho phương hướng kỹ thuật của câu lạc bộ. “Chiến lược của chúng tôi trước hết phải dựa trên nền tảng là thế giới bóng đá tiến bộ,” Ông nhắc lại. “Đó nhất định phải là một nền bóng đá hiện đại.” Mục đích phía sau nó là để giành lấy thế chủ động ở cả trong và ngoài sân cỏ. “Tôi không muốn công tác tìm kiếm cầu thủ của chúng tôi bị tác động và ‘dắt mũi’ bởi những người đại diện,” Gazidis khẳng định. “Sự chủ động phải là yếu tố hàng đầu của chiến lược này.” 
 
Nguồn: Lược dịch từ bài viết “Inside AC Milan: Waking a sleeping giant” của tác giả James Horncastle, đăng tải trên The Athletic.
 
(Còn tiếp)
 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Chiến thắng tại El Clasico: Bản tóm gọn hoàn hảo về Barcelona mùa này

Trong bối cảnh các giải VĐQG thường xuyên nằm dưới sự thống trị của một nhóm nhỏ các siêu CLB quen thuộc, đôi khi rất khó để phân biệt sự khác nhau giữa các nhà vô địch. Tuy nhiên, chức vô địch La Liga 2024/25 của Barcelona, dù chưa chính thức về mặt toán học, sẽ mãi khắc sâu trong ký ức của những người đã dõi theo nó.

Barca "sống mà không cần đồng hồ"

Tôi có một người bạn không đeo đồng hồ. Có một thời gian, anh ấy thường nhét vào túi quần một chiếc điện thoại cũ, nhỏ với màn hình đen trắng và dùng sim trả trước không Internet. Giống như loại mà dân buôn “mai thúy” hay dùng để cuộc gọi không bị lần ra, hoặc cũng giống loại mà nhà phê bình phim Carlos Boyero hay dùng. Anh ấy thường chậm hơn mọi xu hướng, nhưng luôn là người mở đầu cho làn sóng tiếp theo.

Barcelona: Khi phía trước vẫn là bầu trời

Thất bại cay đắng trước Inter Milan tại bán kết Champions League mùa này sẽ là “sợi dây kinh nghiệm” quý giá đối với tập thể trẻ trung mà HLV Hansi Flick đang gây dựng tại sân Nou Camp. Sau tất cả những gì đã thể hiện, các cules hoàn toàn có quyền mơ mộng về một tương lai xán lạn hơn nữa dành cho đội bóng xứ Catalonia.

Đằng sau sự gục ngã của Arsenal ở mùa giải 2024/25

Đến hẹn lại lên, Arsenal luôn khởi đầu mùa giải với sự hứng khởi cùng ước mơ lớn lao về những danh hiệu cao quý. Thế nhưng, khi mùa giải sắp hạ màn, Pháo thủ thành London luôn khiến người hâm mộ của họ phải thất vọng, dù bất cứ lý do gì đi chăng nữa.

Inter Milan: Chạy theo giấc mơ từ Istanbul tới Munich

Thêm một lần nữa, tài năng của Simeone Inzaghi lại đưa Inter Milan lọt vào đến trận chung kết Champions League. Bỏ lại sau lưng tất cả những nỗi buồn trong đêm Istanbul cách đây hai năm, đã đến lúc đội bóng chủ sân Giuseppe Meazza viết tiếp câu chuyện cổ tích của mình.

Chelsea và bài toán hóc búa mang tên kinh nghiệm

Enzo Maresca, một HLV chưa có nhiều kinh nghiệm đang dẫn dắt một tập thể trẻ trung được gây dựng bởi một ban lãnh đạo cũng mới mẻ không kém. Trớ trêu thay, kinh nghiệm chính là thứ ông đang nhắc đến nhiều nhất thời điểm này.

Arsenal tái đấu PSG: Còn bao nhiêu phần trăm cơ hội vẫn phải cố!

Arsenal vẫn luôn biết cách đưa người hâm mộ đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Khi không được giới chuyên môn đặt quá nhiều kỳ vọng, đoàn quân Mikel Arteta lại xuất sắc đánh bại nhà đương kim vô địch Real Madrid trong cả hai lượt trận để hùng dũng tiến vào vòng bán kết Champions League với tổng tỉ số 5-1.